Chỉ riêng trong năm 2013, trong thời gian đi tìm đồng đội cùng đơn vị cũ ở NTLS huyện Hòa Thành, ông Quản phát hiện một ngôi mộ, trên bia ghi là “Liệt sĩ Phan Văn Đận, quê quán xã Nam Thành, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình”. Vì cùng một đơn vị chiến đấu năm xưa, ông xác định, đây chính là liệt sĩ Phạm Văn Dậu (không phải Phan Văn Đận) quê xã Nam Thịnh (không phải xã Nam Thành), huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Chính sự sai sót cả họ, tên và quê quán này, đã khiến ông phải mất ăn, mất ngủ nhiều ngày đêm suy nghĩ tìm cách đề nghị xin điều chỉnh họ tên và quê quán thật sự cho đồng đội. Thế là ông lên kế hoạch, sau đó lại cất công đến các cơ quan chức năng để xác minh. Khi đã có trong tay chứng cứ cụ thể, ông đến Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh trình bày và đề nghị cho điều chỉnh, trả lại họ tên và quê quán thật sự cho đồng đội của mình đúng như trong giấy báo tử. Sau một thời gian chờ đợi, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh đã có công văn phúc đáp trả lại họ tên và quê chính xác đối với liệt sĩ Phạm Văn Dậu”.
Hiện nay, dù đời sống kinh tế gia đình chưa mấy khá giả, nhưng ông Quản vẫn chắt chiu, dành dụm một khoản kinh phí từ đồng lương hưu khiêm tốn của mình, để tiếp tục tham gia đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội. Năm 2013, ông đã ủng hộ 31 suất học bổng cho con cháu của liệt sĩ đồng đội với tổng giá trị trên 28 triệu đồng. Ông còn vận động gia đình ủng hộ 10 triệu đồng cho quỹ “Vì người nghèo” quận 6; hỗ trợ 1 triệu đồng cho tổ chức Đoàn công an quận 6 để mua dụng cụ học tập, giúp các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Đồng Tháp. Tổng kinh phí dành cho các khoản đóng góp từ thiện của ông cộng chung là gần 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn vận động anh em, bạn bè quyên góp được 9 phần quà để tặng cho các gia đình khó khăn ở khu phố 1, nơi ông cư ngụ, mỗi phần quà trị giá 200 ngàn đồng…
Mặc lâm