Bờ Bắc gần bờ sông đầu cầu xuống bến đò A, vĩ tuyến 17.
Báo tháng 9 - Từ trước tới nay, mỗi khi nói tới Vĩ tuyến 17 là nói tới nỗi đau chia cắt, nói đến cuộc đấu tranh anh dũng và gian khổ của nhân dân đôi bờ giới tuyến.
Vĩ tuyến 17 không chỉ nổi tiếng bởi "Hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra" - niềm kiêu hãnh một thời của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến "chống xâm nhập của Cộng sản từ miền Bắc". Nhưng còn một Vĩ tuyến 17 không nhiều người biết trước đó, là Vĩ tuyến 17 với hàng rào lá chắn bằng tre - một kiểu hàng rào lá chắn tự nhiên độc đáo, có một không hai do Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên chạy dài suốt dọc bờ Nam vĩ tuyến.
Chúng đưa giống tre La Ngà vốn nhiều gai góc từ miền Đông Nam Bộ ra trồng đại trà dọc bờ Nam giới tuyến. Chúng bắt mỗi hộ gia đình sống dọc giới tuyến buộc phải trồng và chăm sóc 5 bụi tre; ai chống lệnh, không chấp hành thì bị quy là theo "Việt cộng" và bị "bắn bỏ".
Không thể chống lại lệnh trên, bà con nhân dân dọc bờ Nam giới tuyến vẫn buộc phải nhận trồng và chăm sóc tre theo chỉ tiêu đã phân bổ. Chỉ có điều, bờ tre tuy hàng ngày vẫn được dân chăm sóc, nhưng nó cứ khô héo dần rồi chết khô. Đám tay chân Ngô Đình Diệm cho người dò la tìm nguyên nhân và hăm dọa thì được bà con nhân dân giải thích nghe rất có lý rằng: "Giống tre La Ngà không ưa đất Quảng Trị" .
Đúng là "Vỏ quýt dày, có móng tay nhọn". Thì ra, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và đám bảo an, dân vệ, trong quá trình trồng, chăm sóc tre hằng ngày, bà con vẫn tuân thủ bón phân, tưới tắm chu đáo. Nhưng cứ khi màn đêm buông xuống, bà con hòa nước muối đặc đem ra đổ vào gốc cây tre. Lặp đi, lặp lại nhiều lần cả bụi tre, rồi cả lũy tre dài lần lượt khô héo và cháy rụi lá. Kế hoạch lập "Hàng rào lá chắn bằng tre" với nhiều kỳ vọng và tốn bao công sức của chính quyền Ngô Đình Diệm bị chết yểu.
Để tiếp tục "ngăn chặn sự xâm nhập từ miền Bắc", về sau Mỹ đã đổ ra hàng trăm triệu USD thiết lập một hàng rào ngăn chặn hiện đại hơn, mang tên "Hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra". Tuy nhiên, kết cục thì nó cũng cùng chịu chung số phận với "Hàng rào lá chắn bằng tre" của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm trước đó.
Long Trần