Một số hạng mục, công trình CCB Cù Văn Thành đã đầu tư vào Dự án trước khi ký Hợp đồng hợp tác với Cty Thanh Ngân… 1
Số báo 1536, ra ngày 10-4, Báo CCB Việt Nam đề cập đến nội dung phản ánh của CCB Cù Văn Thành liên quan đến sự nhầm lẫn về nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác Khu du lịch Nhân Tâm được ký giữa Cty Nhân Tâm với Cty Thanh Ngân. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, đối tác không thực hiện hoàn tất thủ tục pháp lý để đưa điểm du lịch vào hoạt động, kinh doanh đúng pháp luật…, khiến cho doanh nhân CCB Cù Văn Thành “đâm” đơn khởi kiện ra tòa án! Điều đáng nói, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án và phản ánh của CCB Thành, cho thấy việc thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác Khu du lịch Nhân Tâm giữa hai doanh nghiệp có nhiều điểm bất cập…
Hợp đồng vi phạm điều cấm?
Theo CCB Cù Văn thành, Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu được áp dụng đối với Hợp đồng vô hiệu; Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của Luật thì vô hiệu; Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích; sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tại thời điểm ký Phụ lục Hợp đồng ngày 30-9-2022, quyền sử dụng đất mà Cty Nhân Tâm góp vốn thì phần lớn là đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm khác); đất này chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích phi nông nghiệp để hoạt động kinh doanh Khu du lịch. Vì vậy, Hợp đồng hợp tác đã vi phạm Điều 6, Điều 12, Điều 57 Luật Đất đai năm 2013.
Mặt khác, Khu du lịch Đắc Nhân Tâm (tên gọi mới) sử dụng diện tích đất rất lớn và có yếu tố nhạy cảm về môi trường nên theo quy định pháp luật thì phải có Giấy phép về môi trường, được quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tại thời điểm ký Hợp đồng, Phụ lục Hợp đồng, đất chưa chuyển mục đích sử dụng, chưa có Giấy phép về môi trường nên đã vi phạm điều cấm của Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như đã dẫn trên đây. Vì vậy, cần phải tuyên vô hiệu Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đặc biệt, Hợp đồng bị vô hiệu theo Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015 do thiếu sót, nhầm lẫn, dẫn đến không đạt được mục đích hợp tác. Mục đích của việc hợp tác kinh doanh là từ cơ sở vật chất của Cty Nhân Tâm để Cty Thanh Ngân (Nha Trang) góp vốn đầu tư xây dựng tài sản cố định để đưa Khu du lịch đi vào hoạt động quy củ, khang trang, kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Hợp đồng hợp tác đã thiếu sót do nhầm lẫn làm cho không thể thực hiện đúng quy định pháp luật và từ đó Cty Nhân Tâm không đạt được mục đích hợp tác.
Kể từ khi ký Hợp đồng đến nay doanh thu hàng tháng trung bình Cty Nhân Tâm nhận được khoảng 28 triệu đồng/tháng trong khi tài sản Cty Nhân Tâm góp vốn hợp tác trị giá là 60.000.000.000 đồng. Trị giá tài sản góp vốn của Cty Nhân Tâm là rất lớn, nhưng doanh thu chỉ đạt ở mức không bằng số tiền nếu Cty Nhân Tâm cho thuê, vì vậy, không đạt được mục đích hợp tác.
Theo CCB Cù Văn Thành, lý do không đạt được mục đích hợp tác là do Cty Thanh Ngân không góp vốn xây dựng tài sản cố định dẫn đến doanh thu thấp?!
Bên cạnh đó, về phía Cty Thanh Ngân cho rằng nhân viên thu ngân đại diện cho Cty Nhân Tâm để kiểm soát doanh thu theo Khoản 3 Điều 2 Hợp đồng đã vi phạm Hợp đồng lao động nên bị sa thải.
Tuy nhiên, trên thực tế Cty Thanh Ngân không ký Hợp đồng lao động với nhân viên thu ngân do Cty Nhân Tâm cử sang và cũng không có quyết định sa thải theo Bộ luật Lao động hiện hành.
“Hành động của Cty Thanh Ngân không cho nhân viên này làm việc là do Cty Thanh Ngân không muốn để Cty Nhân Tâm kiểm soát doanh thu như đã ghi trong Hợp đồng” - CCB Cù Vă Thành nói.
Do Cty Thanh Ngân không đồng ý ký Phụ lục của Hợp đồng ngày 21-9-2022 về những vấn đề trên đây, nếu tiếp tục thực hiện Hợp đồng thì sẽ vi phạm pháp luật, mục đích hợp tác không đạt được. Vì vậy, Cty Nhân Tâm của CCB Cù Văn Thành đã khởi kiện ra TAND huyện Diên Khánh xem xét tuyên vô hiệu đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 21-9-2022 và Phụ lục Hợp đồng ngày 30-9-2022 mà Công ty đã ký với Cty Thanh Ngân…
Những vấn đề thiếu sót do nhầm lẫn khi ký Hợp đồng
Vẫn theo CCB Cù Văn Thành, Hợp đồng hợp tác kinh doanh có thiếu sót nội dung chi tiết số vốn góp mà Cty Thanh Ngân phải nộp để “xây dựng tài sản cố định” và sự việc này là nhầm lẫn đáng tiếc của cả hai bên.
Do sự thiếu sót – nhầm lẫn không ghi số vốn của Cty Thanh Ngân phải nộp để xây dựng tài sản cố định nên phía Cty Nhân Tâm không biết Cty Thanh Ngân xây dựng cái gì, giá trị xây dựng là bao nhiêu để cùng nhau kiểm soát, đưa Khu du lịch vào hoạt động có hiệu quả.
Điều đáng nói, Hợp đồng hợp tác kinh doanh thể hiện thiếu sót nội dung: Hết thời hạn hợp tác thì tài sản cố định do Cty Thanh Ngân xây dựng sẽ thuộc về Cty Nhân Tâm hay Cty Thanh Ngân tháo dỡ? Thiếu sót nội dung này sẽ là hậu quả khôn lường khi hai bên chấm dứt Hợp đồng!
Đồng thời, tại điểm e mục 2 Điều 4 của Hợp đồng hợp tác kinh doanh có quy định: “Nếu Cty Nhân Tâm hủy Hợp đồng trước ngày kết thúc Hợp đồng bởi bất kỳ lý do gì mà không phải lỗi của Cty Thanh Ngân, thì Cty Nhân Tâm phải thanh toán cho Cty Thanh Ngân tất cả các khoản đầu tư tại khoản 1 Điều 4 của Hợp đồng hợp tác kinh doanh”.
Tuy nhiên, như phân tích ở trên, Hợp đồng hợp tác kinh doanh chưa nêu số vốn xây dựng tài sản cố định và hạng mục chi tiết Cty Thanh Ngân “xây dựng tài sản cố định” như thế nào? Do vậy, nếu Cty Nhân Tâm hủy bỏ Hợp đồng thì sẽ không có cơ sở nào để hoàn trả cho Cty Thanh Ngân. Do đó, việc Hợp đồng hợp tác không nêu hạng mục Cty Thanh Ngân “xây dựng tài sản cố định” làm cơ sở đền bù cũng là một thiếu sót, nhầm lẫn khi ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh khiến cho việc hợp tác của Cty Nhân Tâm không đạt được mục đích.
Ngoài ra, tại điểm e mục 2 Điều 4 của Hợp đồng hợp tác kinh doanh quy định: “Khi Cty Nhân Tâm chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn thì phải bồi thường giá trị tài sản vô hình cho Cty Thanh Ngân”. Tuy nhiên, tài sản vô hình là như thế nào thì hai bên chưa định nghĩa cụ thể, rõ ràng trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hợp đồng quy định Cty Thanh Ngân “phải hoàn thiện thủ tục pháp lý về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đưa Khu du lịch Đắc Nhân Tâm thành Khu du lịch hoạt động theo đúng quy định của Pháp luật” nhưng Hợp đồng không quy định thời gian nào Cty Thanh Ngân phải hoàn thành, nên cho đến nay Khu du lịch vẫn đang trong tình trạng hoạt động chưa được phép!
Những vấn đề thiếu sót do nhầm lẫn khi hai bên ký Hợp đồng trên đây khiến cho không thể thực hiện Hợp đồng và mục đích Hợp tác không đạt được. Vì vậy, thời gian qua CCB Cù Văn Thành nhiều lần kiến nghị TAND huyện Diên Khánh sớm đưa vụ án ra xét xử, tuyên Hợp đồng vô hiệu theo Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng thời buộc Cty Thanh Ngân hoàn trả tài sản đã nhận của Cty Nhân Tâm…
Bài, ảnh: Tư Hoành - Công Thi