Thật vậy, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, trật tự thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Nước Nga (kế thừa Liên Xô) không còn là một cực của thế giới, trong khi chủ nghĩa thân phương Tây bành trướng ra khắp thế giới bằng “chân lý của kẻ mạnh”. Trong những địa chỉ họ nhắm tới chính là Crưm thuộc U-crai-na, vì địa thế chính trị tối quan trọng của vùng đất này. Nghĩa là muốn khống chế Nga thì trước hết phải khống chế được Crưm.
Thế nhưng, Tổng thống Pu-tin - một vị cựu trung tá KGB, là người luôn đau đáu, tiếc nuối vị thế một thời của nước Liên Xô xưa không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ chấp nhận sự thật phũ phàng đó.
Trở lại lịch sử, Crưm trước kia là lãnh thổ của Nga thời đế quốc Nga hoàng từ thế kỷ XVIII. Sau này Crưm là lãnh thổ của Liên Xô, và để phát huy tinh thần anh em trong liên bang các nước XHCN, Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Khrutshev đã giao cho U-crai-na (khi đó vẫn thuộc Liên Xô) quản lí. Khi Liên Xô sụp đổ. Nước Nga hỗn loạn, rồi U-crai-na tách ra. Do đang thù trong giặc ngoài phải chống đỡ tứ bề, nước Nga trong cơn “bể dâu” ấy đành tạm gác Crưm, mặc dù xét cả về tình, cả về lý Crưm là lãnh thổ thiêng liêng, là một phần không thể tách rời của Nga. Crưm là công lao gây dựng, chiến đấu hi sinh của biết bao thế hệ người Nga để giữ cho đất nước Nga toàn vẹn lãnh thổ. Đó là chưa nói Crưm nằm án ngữ ở biển Đen ngay lối ra phía Tây của nước Nga, có vị trí tối quan trọng đối với nước Nga - một cường quốc về hải quân. Hải quân Nga sẽ như chim mất cánh nếu như để mất Crưm. Từ Crưm có thể kiểm soát được toàn bộ vùng Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước Đông Âu như Bun-ga-ri, Ru-ma-ni… Chính vì thế mà kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã phải thuê cảng Xê-vát-xtơ-pôn ở Crưm để duy trì, thiết lập hạm đội biển Đen của mình.
Sự việc có lẽ chưa có gì thay đổi, nếu như trong 2 tháng vừa rồi, lợi dụng nước Nga đang bận bịu phải tổ chức Olympic mùa đông ở Xô-chi, phương Tây đã kích động, tổ chức các cuộc biểu tình vi hiến chống chính phủ, gây bạo loạn nhằm lật đổ tổng thống dân bầu Y-a-nu-cô-vích. Kết quả là ông này phải chạy khỏi U-crai-na để nhằm bảo toàn tính mạng trước những kẻ phát xít mời ở U-crai-na với chủ nghĩa bài Nga cực đoan và mù quáng.
Thông qua chính quyền mới được thành lập phương Tây đã nhúng bàn tay hắc ám nham nhúa của mình vào U-crai-na để biến nơi đây thành pháo đài chống lại Nga.
Đứng trước tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đó, Tổng thống Pu-tin ngay sau khi tổ chức xong thế vận hội Sochi, ông đã lập tức phản ứng bằng cách điều động quân đội Nga tới Crưm để bảo vệ người Nga đang đứng trước một cuộc thanh trừng sắc tộc do những kẻ phát xít cực hữu bài Nga tiến hành. Nhờ thế mà tình hình trị an, xã hội được ổn định. Ngay lập tức, Crưm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập vào Nga. Dân chúng Crưm thật như đói hạn gặp mưa rào, họ đã đồng ý và hưởng ứng lời đề nghị này. Kết quả là hơn 93 % người dân ở đây đã ủng hộ để quay về Nga.
Không chỉ Crưm mà dân ở hầu khắp U-crai-na (cả ở Nga nữa) hô vang tính từ “về nhà”. Tổng thống V. Pu-tin đọc thông điệp sau khi ký sắc lệnh tiếp nhận bán đảo Crưm vào thành phần của Liên bang Nga dài hơn 40 phút mà bị ngắt quãng bởi hơn 30 đợt vỗ tay tán đồng trước đông đủ thành viên hai viện của Quốc hội Nga có sự chứng kiến của các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.
Vậy là, bằng những hành động chớp nhoáng, nhanh chóng, gọn ghẽ Tổng thống Pu-tin đã vừa bảo vệ được quyền lợi tính mạng của người dân Nga đúng với trách nhiệm của một Tổng thống Nga, vừa bảo vệ quyền lợi địa chính trị, lãnh thổ của nước Nga trên biển Đen.
Nước Nga đã trở lại đúng như biểu tượng của nước Nga, là hình ảnh chú gấu to lớn dũng mãnh. Thì ra hơn chục năm qua chú gấu dũng mãnh ấy “ngủ đông”!
Lịch sử có thể thay đổi. Cường quốc Nga có thế theo đó mà thịnh hay suy. Nhưng đó chỉ là nhất thời để mờ ra một thời kỳ thịnh vượng mới. Con gấu Nga đã thực sự tỉnh sau một giấc ngủ dài. Tuy nhiên, những nước thân phương Tây thì ngỡ ngàng đến tức tối. Nhưng có gì mà tức tối, nếu như hiểu câu nói rất hay của cố Tổng thống Mỹ Hây-ri Tru-man: “Những điều mà chúng ta cho là mới mẻ, thật ra chỉ là vì chúng ta chưa biết đủ về lịch sử”.
NCS NGUYỄN HOÀNG ANH
(Gửi từ Mát-xcơ-va)