Kế hoạch trên đồng thời đáp ứng phần nào lòng mong mỏi của người dân Mỹ về một chính quyền dành nhiều quan tâm đến cải thiện nền kinh tế vốn đang đi xuống và đầu tư vào những lợi ích khác thay vì phải tiêu tốn 113 tỷ USD mỗi năm cho cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan.

Thế nhưng, tình hình Áp-ga-ni-xtan vẫn lâm vào rối ren, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc gia tăng, kinh tế kiệt quệ và phụ thuộc vào nước ngoài, nạn khủng bố vẫn hoành hành, nhân quyền tiếp tục bị chà đạp. Trong cuộc chiến tranh này, dân thường luôn là nạn nhân, hứng chịu nhiều thương vong và chết chóc, trong đó có hàng nghìn người chết và bị thương vì bị “bắn nhầm” trong các hoạt động quân sự do Mỹ và NATO thực hiện. Không chỉ có người dân ở các quốc gia, nơi đang phải oằn mình hứng chịu cuộc chiến phải gánh chịu những mất mát đau thương mà ngay cả những nước chủ xướng gây ra cuộc chiến tranh cũng phải chịu những tổn thất. Chỉ tính riêng nước Mỹ, cuộc chiến kéo dài gần mười năm qua ở Áp-ga-ni-xtan đã làm 1.500 binh sĩ Mỹ chết, 12.000 bị thương.

Các cuộc chiến do chính quyền Mỹ và đồng minh gây ra trong 12 năm qua tác động và gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống vật chất, tinh thần về nhiều mặt khác của nhân dân lao động Mỹ. Không ít những nhà quan sát, chuyên gia cho rằng, chính cái giá khổng lồ phải trả cho cuộc chiến tranh về người và tiền của là một trong những nguyên nhân đưa nền kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng suy thoái. Việc phục hồi nền kinh tế đang tiến những bước chậm chạp, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở con số 9%, 14 triệu người đang cần có việc làm, cơ sở hạ tầng bị phớt lờ. Người dân Mỹ phải gánh chịu cho cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, chính quyền Mỹ bị dư luận trong nước chỉ trích và lo ngại rằng Mỹ sẽ rơi vào đường hầm không lối thoát.

Trong khi đó những tướng lĩnh dày dạn trận mạc của Mỹ lại đang hết sức lo lắng về hậu quả của việc ông Ô-ba-ma tuyên bố rút quân và cho rằng, quyết định đó quá đường đột và kéo theo nhiều nguy cơ. Thực tế, việc gửi thêm 30.000 quân chi viện hồi tháng 12-2009 đã giúp cho Mỹ và đồng minh đạt được những bước tiến quan trọng trong cuộc chiến với Ta-li-ban, song để cho lực lượng quân đội và an ninh Áp-ga-ni-xtan tự đứng vững thì còn cần thêm nhiều thời gian hơn nữa. Các nhà tham mưu của Lầu Năm Góc mong muốn được càng linh hoạt càng tốt để tiếp tục cuộc chiến Áp-ga-ni-xtan và đang thúc giục chỉ rút số quân hỗ trợ không quá một sư đoàn, gồm các kỹ sư và công nhân đã tham gia các cơ sở cho quân đội Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan. Bằng cách này, các tư lệnh Mỹ sẽ tiếp tục có lực lượng chiến đấu lớn để chống lại Ta-li-ban trong 2 năm tới.

Với kế hoạch rút quân của ông Ô-ba-ma, lực lượng Mỹ sẽ trở lại quy mô 70.000 người, đủ để giữ các trung tâm đô thị lớn và các tuyến đường, nhưng không đủ để đánh bại các chiến binh Ta-li-ban trên chiến trường, hay kiểm soát biên giới Áp-ga-ni-xtan - Pa-ki-xtan. Điều đó cũng có nghĩa, cuộc chiến này vẫn cứ bùng nhùng như khi ông B.Ô-ba-ma mới nhậm chức. Vậy là "mèo lại hoàn mèo", khi những thành quả đạt được trước đó đã bị tiêu tán bởi các chỉ huy Mỹ không có đủ quân để giữ đất. Tương lai u ám càng cho thấy rõ mục đích cuối cùng của kế hoạch rút quân chỉ là một hiệu ứng tâm lý mà ông Ô-ba-ma muốn đem đến cho cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2012. Đằng sau quyết định đó, nhiều người đang tự hỏi liệu đó có phải là một chiêu bài tranh cử của đương kim tổng thống Mỹ hay là do sự tự tin, lạc quan thái quá trước việc tiêu diệt được trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen.

Tất nhiên, bản thân ông Ô-ba-ma cũng có những nỗi khổ khó nói hết được và dưới áp lực trong nước, ông Ô-ba-ma cũng không còn cách nào khác là phải tuyên bố: Đã đến lúc phải tập trung vào việc xây dựng đất nước, khẩu hiệu mọi người thường nhắc đến bây giờ là "Tái thiết nước Mỹ, chứ không phải Áp-ga-ni-xtan". Song cũng giống như chuyện "đẽo cày giữa đường", ngay cả khi đã thỏa mãn yêu cầu của các cử tri trong việc rút quân, giảm chi phí cho quân sự thì chưa chắc ông Ô-ba-ma đã có được lợi thế trong cuộc tranh cử sắp tới nếu cái giá phải trả cho những lính Mỹ được trở về nhà là có thêm nhiều đồng đội của họ sẽ gục ngã trong những cuộc tấn công bất ngờ, đầy chết chóc của Ta-li-ban xuất phát từ các căn cứ dọc vùng biên giới Pa-ki-xtan - Áp-ga-ni-xtan.

Rõ ràng, Mỹ đã thua cuộc chiến chính trị tại Áp-ga-ni-xtan và ông Ô-ba-ma đã phải thừa nhận: Những thách thức lớn vẫn còn ở Áp-ga-ni-xtan và sẽ không lùi bước cho tới khi giành thắng lợi. Từ những sự kiện và thực tế đang diễn ra ở nước Mỹ, ở chiến trường Áp-ga-ni-xtan cho thấy: kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan trong tình thế “về cũng dở mà ở cũng không yên”!

Minh Phương