Tác giả trên bàn hiến máu tình nguyện.
Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân hiến máu tình nguyện” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời nhận thức được tình hình dịch bệnh Covid-19 đang làm cho tình trạng khan hiếm nguồn máu dự trữ trở nên nghiêm trọng hơn, tôi đã quyết định đi hiến máu ngay trong đại dịch virus Corona.
Những thay đổi tích cực khi hiến máu mùa dịch
Bước chân vào cổng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, tuy không phải lần đầu tiên nhưng lần đi hiến máu này tôi có chút hồi hộp xen lẫn lo lắng. Liệu dịch bệnh Covid-19 ngoài kia có vào đến đây?
Nhưng ngay khi bước vào sảnh đón tiếp người tham gia hiến máu, tôi dần gạt đi sự lo lắng này. Viện đã bố trí phân luồng một lối đi riêng cho người đến hiến máu tình nguyện. Ngay lối vào có một nhân viên y tế đo nhiệt độ, kiểm tra thân nhiệt. Dung dịch rửa tay sát khuẩn được đặt ở rất nhiều nơi để cho mọi người tiện quan sát và sử dụng.
Những người tham gia hiến máu, ngoài việc điền tờ khai thông tin cá nhân và thông tin sức khỏe thông thường, còn được phát thêm một bảng câu hỏi về tình trạng sức khỏe để đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Có rất nhiều người giống như tôi, đeo khẩu trang, yên lặng ngồi xếp hàng chờ khám sàng lọc sau khi đã hoàn thành các mẫu bảng hỏi. Mỗi người khi đến lượt khám sức khỏe trước khi vào hiến máu sẽ tiếp tục được kiểm tra thân nhiệt, lấy máu để xét nghiệm nhanh sàng lọc các yếu tố không đủ điều kiện để hiến máu.
Qua được vòng khám sàng lọc này, tôi có thêm sự động viên tinh thần, rằng mình được vào hiến máu có nghĩa là sức khỏe mình đủ tốt. Khác với thường ngày, thời gian này hội trường nơi hiến máu được bố trí rộng thoáng hơn, các ghế lấy máu cũng được kê cách xa nhau hơn để đảm bảo cự ly giãn cách theo yêu cầu phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Được biết các điểm hiến máu đều được phun khử khuẩn thường xuyên ngay sau khi kết thúc buổi hiến máu; các quả bóp, các dụng cụ cũng được sát khuẩn thường xuyên ngay trong mỗi buổi hiến máu. Tôi cảm thấy yên tâm hơn và sẵn sàng cho việc lấy 350ml máu…
Tôi hiểu rõ việc hiến máu cứu người là một việc làm tốt đẹp, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, khiến lượng máu dự trữ trong ngân hàng khan hiếm, thì việc hiến máu càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Mỗi người một giọt máu hồng là đã góp phần duy trì đủ lượng máu dự trữ cần thiết để kịp thời cứu chữa người bệnh.
Nhìn những giọt máu đầu tiên chảy vào bịch máu, tôi cảm thấy mình thật sự may mắn khi được là người có thể ngồi đây, có đủ sức khỏe để hiến máu cứu giúp những người bệnh. Tôi may mắn hơn rất nhiều những người bệnh đang ngày đêm mong chờ những giọt máu này để được chữa bệnh, được sống…
Ở ghế lấy máu bên cạnh tôi là ông Lê Văn Công (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), cho biết: Ông rất vui vì việc làm nhỏ của mình có thể cứu được những người bệnh cần truyền máu, vì vậy cũng không ngại dịch bệnh mà ông đến đây hiến máu. “Ngoài ra, trước khi hiến máu mỗi người đều được khám sàng lọc, rồi còn được nhận quà tặng xét nghiệm miễn phí các chỉ số sức khỏe cơ bản, đây cũng là dịp để chúng ta được kiểm tra, theo dõi sức khỏe rất tốt” - ông Công chia sẻ.
Nguồn máu thiếu hụt
Theo ông Nguyễn Văn Nhữ - Phó trưởng Khoa Vận động và tổ chức hiến máu, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, như thường lệ mọi năm, tình trạng khan hiếm máu thường xảy ra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài do máu là chế phẩm sinh học tuy được dự trữ nhưng có hạn sử dụng rất ngắn, trong khi người bệnh vẫn cần truyền máu ở tất cả các thời điểm. Nhưng năm nay, tình hình càng trầm trọng hơn do tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương trong cả nước phải đối mặt với những khó khăn do thiếu người hiến máu.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, sau kỳ nghỉ Tết kéo dài rồi đến dịch bệnh Covid-19, lượng máu dự trữ hiện đã cạn kiệt và những đơn vị máu còn lại cũng đã cận hạn sử dụng, không thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị. Hiện nay, Viện chỉ tiếp nhận được khoảng vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày. Con số này quá ít so với nhu cầu 2.500-3.000 đơn vị máu cần cung cấp cho các bệnh viện mỗi ngày ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, chưa kể các địa phương khác trong cả nước.
Khối hồng cầu, khối tiểu cầu cũng là các chế phẩm đang bị thiếu hụt trầm trọng nhất hiện nay và dự báo tình trạng có thể kéo dài nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố - khu vực mà Viện đảm nhiệm cung cấp máu.
Nhiều lịch hiến máu được lên kế hoạch từ trước nhưng đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn trước nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dẫn đến lượng máu dự kiến tiếp nhận trong những ngày tới sẽ là rất ít.
Chính vì vậy, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu (đặc biệt là nhóm O, A) và hiến tiểu cầu; đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu.
Năm 2020 là tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 7-4 hằng năm là Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”. Niềm vui của những cán bộ y tế tham gia công tác vận động hiến máu bỗng vỡ òa, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Thư kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu để thường xuyên cứu giúp người bệnh.
Lê Na