Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại biểu CCB, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, bản hùng ca Ngày Chiến thắng 30-4-1975 vẫn còn vang vọng và sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau.

Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, dù ở thời kỳ nào, nhân dân ta cũng luôn khao khát hòa bình, độc lập, tự do. Thế nhưng lịch sử lại “giao phó” cho dân tộc ta phải chấp nhận đương đầu với nhiều đế quốc ở nhiều thời đại, trong đó có những đế quốc có tiềm lực quân sự và kinh tế rất mạnh, khuynh đảo và chinh phạt khắp Nam, Bắc, Tây, Đông. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta trong thế kỷ trước là một ví dụ điển hình về sự “giao phó” ấy.

Với mong muốn sớm được hòa bình thực sự, sau năm 1954, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù đang trên thế thắng về mặt quân sự (với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu) vẫn chấp nhận một cuộc Tổng tuyển cử trên tinh thần hòa hợp để thống nhất đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Theo Hiệp định Geneva, Việt Nam chỉ tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, hai bên sẽ tiến hành hiệp thương để thống nhất đất nước trong năm 1956. Tuy nhiên, ông Ngô Đình Diệm - do CIA (Mỹ) “tìm thấy” và đưa về Việt Nam làm Thủ tướng của chính phủ bù nhìn Bảo Đại đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Geneva, đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc.

Thời đó, người Mỹ và phe cánh của ông Diệm lo sợ uy tín to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Đảng Lao động Việt Nam đã phải sử dụng nhiều “mưu hèn kế bẩn” để củng cố quyền lực của mình, rồi gian lận trong cuộc “trưng cầu dân ý” để hạ bệ luôn Quốc trưởng Bảo Đại, dựng lên “Việt Nam cộng hòa”. Tiếp đó, ông Diệm áp dụng nhiều chiêu thức man rợ để tàn sát những người kháng chiến cũ và những người yêu nước chân chính, khủng bố tinh thần của nhân dân, củng cố chính quyền phản động của mình, công khai phá hoại Hiệp định Geneva, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước.

“Kẻ thù buộc ta ôm cây súng” để đấu tranh thống nhất đất nước. Đầu năm 1959, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khóa II) ra đời, đáp ứng kịp thời sự mong đợi của nhân dân miền Nam và mở ra một phương thức đấu tranh mới. Cách mạng miền Nam từ chỗ chỉ tiến hành đấu tranh chính trị, giữ gìn bảo toàn lực lượng là chính tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược kịp thời đó của Đảng đã đưa đến cao trào Đồng khởi cuối năm 1959 - đầu 1960, tạo ra một bước ngoặt và mở ra một giai đoạn mới cho cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - từ thế thoái trào, giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công.

Để đối phó với phong trào cách mạng miền Nam, cuối năm 1960, đế quốc Mỹ bị động chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Trong những năm 1961-1964 nhờ kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, với phương thức tiến công “hai chân, ba mũi, ba vùng”, quân và dân miền Nam đã đánh bại các chiến thuật của Mỹ như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”... liên tiếp bẻ gãy các cuộc tiến công càn quét, bình định của quân đội Sài Gòn với sự hỗ trợ của các đơn vị binh chủng và cố vấn Mỹ, đánh sập căn bản “quốc sách ấp chiến lược”, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đến bên bờ vực phá sản.

Giữa năm 1965, để cứu vãn tình hình, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân Đồng minh vào tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam; đồng thời mở rộng chiến tranh leo thang ra đánh phá hậu phương lớn miền Bắc.

Bước vào năm 1967, tương quan thế và lực trên chiến trường miền Nam đã có sự thay đổi lớn theo hướng có lợi cho cách mạng. Phân tích và đánh giá đúng tình thế cách mạng, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào các đô thị trên toàn miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thất bại trong chiến tranh cục bộ, năm 1969 Nhà Trắng quyết định thay thế bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Tháng 4-1972, Mỹ tái khởi động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam với tính chất, phương thức, cường độ đánh phá tàn bạo và quyết liệt hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, đặc biệt là mở chiến dịch “Lai-nơ Bếch-cơ II” dùng B.52 đánh phá mang tính hủy diệt Hà Nội và các thành phố ở miền Bắc.

Với thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các chiến trường miền Nam cùng với việc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 của Mỹ cuối tháng 12-1972, Việt Nam đã đạt được mục tiêu “Giành thắng lợi quyết định”, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Theo Hiệp định Paris, quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hậu thuẫn cho quân đội ngụy quyền Sài Gòn tiến hành các chiến dịch lấn chiếm và bình định. Tháng 7-1973, Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 21 khẳng định con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh trên cả 3 mặt trận: Quân sự, chính trị, ngoại giao; thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tạo bởi 3 đòn tiến công chiến lược: Đòn tiến công giải phóng Tây Nguyên, đòn tiến công giải phóng Trị - Thiên- Huế - Đà Nẵng và đòn tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 26-4-1975, đòn tiến công chiến lược cuối cùng mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Đây là một chiến dịch tiến công có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Cách mạng Việt Nam với sự tham gia của 15 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị quân, binh chủng.

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được kéo lên tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm của quân và dân Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ là một cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, ý nghĩa của Chiến thắng 30-4 nói riêng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Trong chiến công vĩ đại ấy, có vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam và dân quân, du kích, sau này đã trở thành Cựu Chiến binh (CCB) - những người đã từng chiến đấu trên mọi chiến trường, ở mọi mặt trận - từ tuyến đầu chống Mỹ ở miền Nam đến hậu phương miền Bắc kiên cường, từ chiến trường ác liệt Trường Sơn, Tây Nguyên, Nam Bộ đến các chiến khu, vùng địch tạm chiếm...

Phát biểu tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại biểu CCB, Cựu Thanh niên xung phong, Dân quân tự vệ và các lực lượng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tổ chức mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, các đồng chí - bằng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm và ý chí kiên trung, đã vượt lên mọi mất mát, hy sinh để góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhiều đồng chí đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ, nơi lòng đất mẹ. Có những người trở về với vết thương trên thân thể, với ký ức chiến tranh in sâu trong tâm trí. Có những người tiếp tục lặng thầm cống hiến cho đất nước trong thời bình, từ công tác xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đến giáo dục thế hệ trẻ”.

Sau Ngày Chiến thắng 30-4-1975, hàng triệu CCB đã trở lại hậu phương, về với gia đình, hoặc chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền hay các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học.

Với bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm đối với vận mệnh của Tổ quốc, nguyện vọng thiết tha của CCB lúc đó là, mong muốn nhanh chóng tập hợp lực lượng CCB Việt Nam thành một tổ chức thống nhất, hợp pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để động viên nhau giữ gìn và phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, có điều kiện thuận lợi tiếp tục đóng góp có hiệu quả hơn cho sự nghiệp bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ nhau khắc phục đói nghèo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CCB, đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Ngày 6-12-1989, căn cứ Tờ trình của Ban Bí thư, Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khoá VI) đã quyết định cho thành lập Hội CCB Việt Nam. Ngày 6-12, là Ngày truyền thống của CCB và Hội CCB Việt Nam.

Ngày 3-2-1990, Ban Bí thư T.Ư Đảng ra Quyết định số 100-QĐ/TW cho thành lập Hội CCB Việt Nam, chỉ định Ban Chấp hành T.Ư lâm thời Hội CCB Việt Nam gồm 31 đồng chí, do Thượng tướng Song Hào làm Chủ tịch.

Ngày 24-2-1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho phép thành lập Hội CCB Việt Nam .

Ngày 14-4-1990, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Quyết định số 5112 -QĐ/MTTQ công nhận Hội CCB là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quyết định cho thành lập Hội CCB Việt Nam là một chủ trương đúng đắn của Đảng, đáp ứng đòi hỏi khách quan của tình hình cách mạng nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Sự ra đời của Hội CCB Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, đáp ứng với sự mong mỏi, nguyện vọng thiết tha, chính đáng của CCB Việt Nam.

Trải qua 35 năm, xây dựng và trưởng thành các thế hệ CCB Việt Nam luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ, khẳng định vị thế của một đoàn thể chính trị - xã hội, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân; xây dựng nên truyền thống vẻ vang của Hội: TRUNG THÀNH - ĐOÀN KẾT - GƯƠNG MẪU - ĐỔI MỚI. Hội CCB Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2012); hai Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2002, 2009), bốn Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2017, 2019, 2022, 2024), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005) vì đã có công lao to lớn và có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc. Đã có hàng trăm tập thể, hàng trăm cá nhân của Hội được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 22 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động. Hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, ban, bộ, ngành, chính quyền các cấp khen thưởng và tặng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với nhau tăng cường các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn. Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy để Tổ quốc vươn mình, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đang được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, với âm mưu chống phá, các thế lực thù địch liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc, gây hoang mang trong xã hội.

Trước tình hình thế giới, trong nước và của Hội CCB đang đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ T.Ư đến địa phương, sự ủng hộ của nhân dân; kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, đòi hỏi Hội CCB Việt Nam trong thời gian tới phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Trong đó cần tiếp tục vận động CCB đoàn kết, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN. Phát huy mọi tiềm năng, động viên CCB nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp. Tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, đất nước. Chủ động tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và CCB. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên và CCB. Tập trung xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tinh gọn về tổ chức; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Hội, nhất là ở cấp xã, phường.

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mà đỉnh cao là Chiến thắng 30-4 lịch sử, bản hùng ca ấy đã, đang cổ vũ, tạo xung lực mạnh mẽ cho cách mạng nước ta hiện nay và mai sau. Phát huy khí phách kiên cường, khát vọng về đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc của chiến thắng kỳ vĩ đó, kiên định vững vàng trên nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ CCB Việt Nam phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ý chí khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đất nước ta nhất định thực hiện thành công mục tiêu phát triển nước nhà trong kỷ nguyên mới.

Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam