
Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn ngày 30-4-1975. Ảnh TL
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi; quân và dân ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại thắng mùa Xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (1945-1975) của quân và dân ta. Đế quốc Mỹ - đội quân xâm lược nhà nghề, thiện chiến trong vòng 200 năm kể từ khi nước Mỹ ra đời (1786) đã tiến hành và tham gia 8 cuộc chiến tranh quy mô lớn nhưng chưa lần nào bại trận, thế nhưng, họ đã thất bại thảm hại tại chiến trường Việt Nam. Xâm lược Việt Nam, giới cầm quyền chóp bu của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tin chắc rằng, họ sẽ giành phần thắng một cách dễ dàng vì trên thế giới, cho đến thời điểm ấy, không có lực lượng nào có thể khuất phục được Mỹ.
Thế nhưng, người Mỹ đã sai lầm; sức mạnh của Mỹ chỉ có giới hạn, đội quân xâm lược nhà nghề của Mỹ đã bị nhân dân ta đè bẹp và cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã thất bại thảm hại. Đế quốc Mỹ đã phải chịu khuất phục trước sức mạnh, ý chí, bản lĩnh và tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, quân và dân ta đã không nao núng tinh thần, không gục ngã trước sức mạnh của đồng đô la và vũ khí tối tân hiện đại. Điều đó đã làm cho Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và cả thế giới kinh ngạc và sửng sốt trước ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam.
Có thể khẳng định, Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất trong tiến trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta.
Sau 50 năm kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước nhìn lại, với độ lùi của thời gian và độ sâu của không gian, chúng ta đã có thêm tư liệu lịch sử, tầm nhìn biện chứng để đánh giá chính xác bản chất cuộc chiến này với sự công tâm, khách quan, khoa học và ý thức trách nhiệm đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc. Đây là cuộc đụng đầu lịch sử hoàn toàn không cân sức giữa đế quốc Mỹ và nhân dân Việt Nam.
Bởi vì, xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ có “quân hùng, tướng mạnh”; “lắm tiền, nhiều của”, đã ứng dụng những vũ khí, trang bị quân sự mới nhất, tối tân hiện đại nhất (trừ vũ khí nguyên tử), đã sử dụng tối đa sức mạnh về mọi mặt, nhất là sức mạnh về kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ hiện đại để chống phá Việt Nam. Hơn thế, đế quốc Mỹ còn có 34 nước đồng minh tham gia huấn luyện, tiến hành chiến tranh, đóng góp lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược...; trong đó, có năm nước trực tiếp đưa quân chiến đấu tại chiến trường Việt Nam trong thời gian dài.
Bị thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, phái “diều hâu” của Mỹ đã bào chữa rằng, nguyên nhân của thất bại trên chiến trường miền Nam là do “quân Mỹ chưa ra tay và chính quyền Sài Gòn non yếu”. Để chứng minh sức mạnh và lấy lại danh dự đã mất, đế quốc Mỹ đã lao sâu vào vòng xoáy của cuộc chiến tranh chống phá Việt Nam bằng cách ồ ạt đổ quân Mỹ và đồng minh vào chiến trường miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”; cùng với đó, sử dụng không quân, hải quân tinh nhuệ, ồ ạt đánh phá miền Bắc Việt Nam. Họ đã tin rằng sẽ đánh thắng Bắc Việt Nam trong thời gian ngắn, sớm đưa Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”.
Chiến trường Việt Nam nóng bỏng, đã diễn ra vô cùng ác liệt, tàn khốc với tính chất vô cùng quyết liệt “một mất một còn” giữa ta và địch; máu của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ Quân đội ta đã thấm đẫm mảnh đất thân yêu; làng xóm, nhà cửa, ruộng vườn, thành phố đã bị tàn phá tan hoang nhưng chúng ta quyết không sợ, không chịu khuất phục trước quân xâm lược; đã nung nấu ý chí kiên cường “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết tâm giành cho được độc lập”, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng quân xâm lược”...
Thời ấy, cả thế giới hồi hộp theo dõi tình hình chiến sự ở Việt Nam diễn ra từng ngày, hằng giờ qua các bản tin, đài báo. Bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đặc biệt ái ngại và lo lắng cho Việt Nam trước cuộc chiến tranh phi nghĩa, vô cùng tàn khốc do đế quốc Mỹ và chư hầu tiến hành. Các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhiều nước dân chủ, nhiều tổ chức chính trị - xã hội tiến bộ trên khắp hành tinh, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ đã tổ chức tuần hành, mít tinh, biểu tình, lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do đế quốc Mỹ tiến hành và ra sức ủng hộ nhân dân Việt Nam; mong muốn hòa bình sớm lập lại trên dải đất hình chữ S; chấm dứt đổ máu, hy sinh vô nghĩa.
Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”..., dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân ta chung sức đồng lòng, xây dựng miền Nam thành lũy thép thành đồng vững chắc, miền Bắc thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn; đã kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, vũ trang với đấu tranh chính trị và ngoại giao; đánh địch bằng ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, làm cho quân Mỹ và chư hầu khốn đốn, “tiến thoái lưỡng nan”, “co vòi hiếu chiến”...
Trong các đòn đánh trả quyết liệt, làm cho quân Mỹ run sợ thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) đã làm cho quân Mỹ nản lòng, thui chột ý chí xâm lược. Nó làm rung chuyển cả nước Mỹ và hệ thống các nước tư bản phương Tây - đồng minh thân cận của Mỹ, làm cho chính quyền Mỹ và Lầu Năm Góc hoang mang, dao động, xã hội Mỹ lâm vào khủng hoảng sâu sắc, nội bộ Mỹ bị chia rẽ và mâu thuẫn gay gắt buộc phải nhận thức lại sức mạnh, giá trị và uy quyền của Mỹ trước Việt Nam.
Sau khi chiến lược “chiến tranh cục bộ” bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải lùi bước, chấp nhận chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra nhưng lại nuôi dưỡng âm mưu phục thù bằng cách tiếp tục duy trì chính quyền Sài Gòn và ngụy quân, ngụy quyền làm chỗ dựa, coi đó là sự “hậu thuẫn” để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, mở rộng cuộc chiến tranh sang Lào, Campuchia với mục tiêu bình định miền Nam Việt Nam; đẩy lùi Quân giải phóng, phá bỏ căn cứ địa cách mạng và đánh phá miền Bắc, làm tê liệt con đường tiếp viện từ miền Bắc vào miền Nam và sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em, đứng đầu là Liên Xô, Trung Quốc.
Với “bản lĩnh thép” kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại chiến dịch tập kích đường không bằng B52 của Mỹ vào T.P Hà Nội và Hải Phòng, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, chịu ký Hiệp định Paris, rút quân Mỹ về nước vào mùa Xuân 1973. Sau đó 2 năm, vào mùa Xuân 1975, theo bước chân của “quan thầy Mỹ”, quân ngụy Sài Gòn cũng bị lật nhào; giang sơn gấm vóc Việt Nam được thu về một mối, Bắc - Nam thống nhất, sum họp một nhà; cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc của Bác Hồ: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần quan trọng vào nền hòa bình thế giới.
Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, ngày 30-4 năm ấy mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi; là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, chiến công vang dội, hiển hách và hào hùng nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta .
Đánh giá về tầm vóc, giá trị và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (*).
Từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội ta tập trung mọi nguồn lực, sức mạnh nhằm khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; chuẩn bị về mọi mặt để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc hồi sinh, phát triển đất nước giàu đẹp, văn minh có sự đóng góp đáng trân trọng của CCB Việt Nam. Nhiều đồng chí CCB phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc “chiến đấu thời bình”; đã đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ cho công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển kinh tế, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, lập nên những chiến công mới, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Điều ấy thật sự có nghĩa đối với mỗi CCB vì đã góp phần viết nên lịch sử mới của cách mạng Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân xâm lược Mỹ, để nhân dân ta có điều kiện tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đất nước ta ngày càng phát triển bền vững; có được cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế to lớn như ngày nay.
Thiếu tướng, PGS. TS. NGND. Nguyễn Bá Dương (Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, phụ trách nhóm chuyên gia 35 Quân ủy T.Ư, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng)
* Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà nội, 2011, tr. 471.