Người gốc Armenia rời bỏ Nagorno - Karabakh để sang Armenia vào tháng 9-2023.
Số phận của Nagorny - Karabakh - vùng đất được cho là một trong những “cuộc xung đột đóng băng” dài nhất và dường như khó hòa giải nhất trên thế giới - có vẻ đã được định đoạt, nhưng không phải thông qua đàm phán vào ngày 20-9 vừa qua. Thế nhưng, trong khi Azerbaijan tiến hành chiến dịch quân sự chớp nhoáng để giành lại vùng đất này, những tiếng nói phản đối của Nga, Liên minh châu Âu (EU), Liên Hợp quốc hay chính Armenia - quốc gia tranh chấp Nagorny - Karabakh với Azerbaijan cũng rất yếu ớt.
Lịch sử tranh chấp, xung đột và chiến tranh triền miên ở Nagorny - Karabakh có từ thời cổ đại tới nay. Trong lịch sử hiện đại, Nagorny - Karabakh là một phần của Azerbaijan được quốc tế công nhận, nhưng chủ yếu do người dân tộc Armenia sinh sống. Sau khi Liên Xô tan rã, Nagorny - Karabakh đã tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan và đã chống lại chính quyền Baku trong hơn 3 thập niên, đặc biệt là cuộc chiến tranh đẫm máu 1988-1994 và cuộc giao tranh kéo dài 6 tuần,vào mùa thu 2020.
Vậy nhưng, tháng 9-2023, Azerbaijan đã phát động cuộc tấn công chớp nhoáng vào Nagorny - Karabakh để giành quyền kiểm soát khu vực, buộc lực lượng ly khai Armenia đầu hàng. Sau 24 giờ giao tranh, Baku đã yêu cầu binh lính Karabakh hạ vũ khí và chính phủ ly khai ngừng hoạt động. Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai ở vùng Thượng Karabakh kể từ cuối năm 2020 đã án binh bất động, trong lúc Armenia - quốc gia đã hỗ trợ vùng lãnh thổ này trong suốt 3 thập niên qua - cũng không can thiệp quân sự, mở đường cho sự sáp nhập trở lại của khu vực này vào Azerbaijan.
Giấc mơ độc lập kéo dài suốt nhiều thập niên và đẫm máu của Nagorny - Karabakh đã kết thúc hôm 28-9 với một sắc lệnh tuyên bố Cộng hòa ly khai của người Armenia ở Azerbaijan sẽ “không còn tồn tại” vào cuối năm nay. Cụ thể, Tổng thống Cộng hòa Karabakh tự xưng Samvel Shahramanian hôm 28-9 đã ký sắc lệnh giải thể nhà nước ly khai. Sắc lệnh tuyên bố bãi bỏ tất cả các cơ quan và tổ chức chính phủ vào ngày 1-1-2024 và “Cộng hòa Nagorny - Karabakh chấm dứt sự tồn tại của thực thể nhà nước” (vốn không được quốc tế công nhận).
Điều khó hiểu là sau bao năm tranh chấp Nagorny-Karabakh với Azerbaijan, trong sự kiện này Yerevan chỉ cáo buộc Baku “thanh lọc sắc tộc” khi có tới cả trăm nghìn người gốc Armenia chất đồ đạc lên ô tô và thực hiện hành trình vượt núi quanh co đến Armenia chứ không có phản ứng về mặt quân sự. Trong khi đó, Nga -quốc gia được cho là đứng về Armenia trong cuộc tranh chấp này -lại bác bỏ cáo buộc của Armenia và đưa ra phản ứng thận trọng, dường như để loại bỏ mọi trách nhiệm của Azerbaijan. Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết: “Không có lý do trực tiếp” nào để người dân rời khỏi Nagorny - Karabakh. Quan chức này nói thêm rằng, Moskva đã “biết” về quyết định giải thể và đang “theo dõi chặt chẽ tình hình”. Ông nói: “Lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ người dân”.
Điều khó hiểu nữa có thể thấy từ chính phản ứng của các quốc gia trong khu vực, vốn luôn lên án mạnh mẽ việc dùng vũ lực trong các mối quan hệ. Diễn biến ở Nagorny - Karabakh đã khiến cộng đồng quốc tế, nhất là Pháp và EU bị chỉ trích là có thái độ “thờ ơ, thụ động”, vào lúc người dân Armenia lo sợ một cuộc tấn công khác của Azerbaijan, đặt lại vấn đề đường biên giới của chính đất nước Armenia. Do vậy, ngày 3-10, Ngoại trưởng Pháp - Catherine Colonna đến thăm Yerevan, nhằm tái khẳng định: “Sự hậu thuẫn của nước Pháp về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Armenia”. Trong chuyến thăm Armenia, Ngoại trưởng Pháp - Catherine Colonna cho biết: Paris đã đồng ý cung cấp thiết bị quân sự cho quốc gia Nam Caucasus này.
Vì những lý do có mối liên hệ lịch sử-văn hóa lâu đời, kết nối Pháp và Armenia, đương nhiên, Paris là thủ đô châu Âu được trông đợi nhiều nhất trong hồ sơ Nagorny - Karabakh. Pháp cũng là quốc gia có cộng đồng lớn người Armenia sinh sống, đồng thời có truyền thống giúp hòa giải tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập niên giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến Nagorny - Karabakh. Về việc này, bà Marie Dumoulin, cựu quan chức ngoại giao Pháp và hiện là Giám đốc chương trình châu Âu mở rộng tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận xét: “Trái với Ukraine, tính chất phức tạp của hồ sơ Nagorny - Karabakh vấp phải 2 nguyên tắc đối ngược nhau trong luật pháp quốc tế: Quyền tự quyết của một dân tộc và sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia”.
Giải thích như trên cũng có vẻ hợp lý nhưng dù sao vẫn không phải là chuẩn mực quốc tế một khi vũ lực đã được sử dụng. Theo lý luận mà các nước châu Âu hay áp dụng xưa nay thì họ phải đứng ra bảo đảm tôn trọng quyền của người dân ở khu vực trên, có nghĩa sẽ tổ chức một cuộc bầu cử để người dân ở đó tự quyết định vận mệnh sáp nhập vùng đất về nước nào hay ly khai khỏi một quốc gia. Do đó, một lập luận khác có vẻ hợp lý hơn để giải thích cho cách hành xử của châu Âu: Sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Azerbaijan.
Theo đó, nhằm đa dạng nguồn cung, tránh dùng khí đốt của Nga vì xung đột ở Ukraine, EU vào mùa hè năm 2022 đã ký một thỏa thuận mua khí đốt của Baku. Tính đến thời điểm này, EU đã nhập khẩu 12 tỷ m3 khí đốt của Azerbaijan và có thể sẽ đạt mức 20 tỷ m3 vào năm 2027. Đặc biệt, con số này vẫn còn quá ít so với mức 150-160 tỷ m3 khí đốt mà Nga cung cấp cho EU trước chiến tranh nên EU sẽ tìm cách để tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Đối với châu Âu lúc này, Azerbaijan là một phần giải pháp thay thế, tuy ít, nhưng không thể bỏ qua, nhất là trong bối cảnh những biến động của thị trường khí đốt có tác động mạnh lên mức giá điện trong khu vực. Do vậy, việc bỏ qua khí đốt của Azerbaijan để đi tìm từ 10-20 tỷ m3 ở nơi khác có lẽ sẽ là điều không dễ.
Bên cạnh đó, cũng có thể có một lý do nữa để giải thích cho phản ứng của EU đó là cấu trúc an ninh mới ở châu Âu kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2-2022. Trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng hiện nay, EU cũng khó mà trừng phạt Azerbaijan vì hành động dùng vũ lực ở Nagorny - Karabakh. Azerbaijan vốn là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô và nếu thời điểm này EU áp dụng các biện pháp trừng phạt Azerbaijan thì khác gì vừa tự trói tay mình khi không mua được khí đốt của nước này và vừa đẩy Baku gần gũi hơn với Moscow.
Phần lớn người gốc Armenia đã di tản khỏi Nagorny - Karabakh, nước Cộng hòa Karabakh tự xưng Samvel Shahramanian sẽ không còn tồn tại. Nói cách khác, Azerbaijan đã thực sự làm chủ vùng lãnh thổ này và đúng với những gì luật pháp quốc tế công nhận với chủ quyền của quốc gia. Thế nhưng, điều khó hiểu vẫn còn đó khi nhiều quốc gia vốn có truyền thống lên án các hành động dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền lại im lặng hoặc phản ứng yếu ớt trước diễn biến của sự kiện đặc biệt này.
Thanh Huyền