Các đại biểu, cán bộ, đảng viên dự Hội nghị.
Ngày 15-8-2022, Đảng bộ Cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Dự Hội nghị có các đồng chí Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam: Trung tướng Khuất Việt Dũng - Bí thư Đảng ủy Cơ quan T.Ư Hội chủ trì Hội nghị, Thượng tướng Phạm Hồng Hương; cùng toản thể cán bộ đảng viên các Ban, Văn phòng, Báo CCB Việt Nam, Làng Hữu Nghị Việt Nam.
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành 4 Nghị quyết quan trọng có nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đời sống của nhân dân, đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng ngày thêm trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, trình độ, uy tín để lãnh đạo đất nước.
Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung của 4 Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) qua sự truyền đạt của Thiếu tướng Hồ Bá Vinh - Trưởng ban Tuyên giáo, Thiếu tướng Lê Khương Mẽ - Trưởng ban Tổ chức - Chính sách, Đại tá Vũ Minh Thực - Phó trưởng ban Tuyên giáo, T.Ư Hội CCB Việt Nam. Ngoài việc giới thiệu bao quát nội dung các Nghị quyết, các đồng chí Báo cáo viên còn đi sâu vào những vấn đề sát với chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan T.Ư Hội, những nội dung thiết thực được cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ quan tâm.
Nghị quyết số 18-NQ/TW
Căn cứ kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31-10-2022 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đề ra mục tiêu tổng quát tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai, đó là: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đồng chí Báo cáo viên nêu bật những điểm mới như: Nghị quyết số 18-NQ/TW bổ sung, làm rõ việc quản lý về đất đai bao gồm cả diện tích và chất lượng; phân cấp rõ hơn giữa các cơ quan Trung ương, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; tiếp tục nêu rõ quan điểm đối với đất đai do lịch sử để lại: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất”; đặt ra những yêu cầu về kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng miền, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực…
Kế thừa quan điểm của Nghị quyết số 19-NQ/TW trước đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW bổ sung, làm rõ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, không chỉ ở việc tổ chức thực hiện, mà ngay từ khâu xây dựng chính sách, phát luật về đất đai và giám sát quá trình thực hiện. Đây là điểm mới trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về dân chủ XHCN, khẳng định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghị quyết số 19-NQ/TW
Xuất phát từ thực tiễn sau 15 thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhiều năm qua, nhờ một số chính sách hỗ trợ hiệu quả kết hợp với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các mô hình sản xuất, kinh doanh do CCB làm chủ ngày một phát triển. Hiện nay, toàn Hội có 8.587 doanh nghiệp, 1.684 hợp tác xã, 3.677 tổ hợp tác, 186.736 trang trại, gia trại (tăng 25% so với 5 năm trước). Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,88% (đầu năm 2017 là 7,66%). 53,92% xã, phường, thị trấn, 39% huyện, thị, thành phố, 69,8% tỉnh, thành Hội cơ bản hết hộ CCB nghèo.
Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội đã huy động được nguồn lực lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với hơn 2.028 tỷ đồng, hơn 4,5 triệu ngày công, hơn 6,9 triệu m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, mở rộng đường làng, ngõ xóm; nâng cấp, duy tu hơn 33.700km đường giao thông nông thôn và đường nội đồng; tham gia xây, sửa hơn 2.780 cây cầu, cống, kênh mương thủy lợi; tham gia xây, sửa gần 5.300 trường học, lớp học, các cơ sở văn hóa,thể thao; đóng góp hàng triệu tấn vật liệu xây dựng, cây con giống… kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh dịch vụ khác.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Nghị quyết số 20-NQ/TW
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra. Với quyết tâm củng cố kinh tế tập thể phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ quan điểm: Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên…
Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế tập thể cần được tổ chức dưới nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…), trong đó hợp tác xã là nòng cốt, đồng thời đặt ra yêu cầu tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Nghị quyết đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể bao gồm chính sách phát triển nguồn nhân lực; đất đai, tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... Chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.
Phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Nghị quyết số 21-NQ/TW
Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới nhấn mạnh tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Về củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra một số nhiệm vụ cụ thể: Đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở đảng; Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp uỷ viên cơ sở.
Về nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, các cấp ủy đảng cần đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đảng viên; tăng cường công tác quản lý đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên.
Đặc biệt, trong phần nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Cấp uỷ cơ sở phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò đại diện, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng động viên nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến, giám sát việc nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc và nơi cư trú,...
Phấn đấu đến năm 2025, hằng năm có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản có đảng viên. Tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên.
Đến năm 2030, hằng năm có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ. Tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong giai đoạn 2025 - 2030 đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Trung tướng Khuất Việt Dũng khẳng định, sau một ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội nghị đã hoàn thành tốt nội dung đề ra. Các đồng chí Báo cáo viên đã chọn những nội dung căn cốt nhất của 4 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XIII. Đây là những Nghị quyết quan trọng, có tính thực tiễn cao, trên cơ sở tổng kết các Nghị quyết được ban hành trước đây trong các giai đoạn 10 năm, 15 năm, 20 năm.
Ngày 12-8-2022, Đảng bộ cơ quan đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Chương trình đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu: 100% cán bộ, đảng viên, quần chúng được nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; 100% chi bộ nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và truyền thống của CCB Việt Nam 100% đảng viên có cam kết phấn đấu, rèn luyện hàng năm; 100% cấp ủy, chi bộ rà soát, bổ sung, sửa đổi và thực hiện nghiêm quy chế làm việc; chương trình làm việc toàn khóa và hàng năm; Đảng ủy, UBKT Đảng ủy và 100% chi ủy, chi bộ xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm; Phấn đấu hàng năm Đảng bộ, Đảng ủy và 100% chi bộ, chi ủy, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; không có chi bộ, chi ủy, cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật.
Đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất, giúp Đảng Đoàn, Thường trực chỉ đạo các cấp Hội và hội viên nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về quản lý sử dụng đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển kinh tế tập thể; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng để năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, cụ thể là Đảng bộ Cơ quan T.Ư Hội và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Với vai trò Bí thư Đảng ủy Cơ quan T.Ư Hội, đồng chí nhấn mạnh việc lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW trong toàn Hội. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ được cụ thể hóa trong Nghị quyết lãnh đạo quý, Nghị quyết lãnh đạo năm của Đảng bộ. Đặc biệt, các Chi bộ vừa tổ chức xong Đại hội nhiệm kỳ 2022-2025 bổ sung nội dung Nghị quyết 21-NQ/TW vào chương trình hành động của cấp mình. Đồng chí Phó chủ tịch Hội mong muốn việc học tập, tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện.
ĐOÀN ANH HẢI - HỒ THANH HƯƠNG