Trong những nhân chứng lịch sử để lại trong tôi ấn tượng không thể nào quên, là Giám đốc công binh xưởng Nguyễn Công Lý - nguyên là Giám mục Toà thánh Va-ti-căng.

Cơ duyên để tôi biết bác Nguyễn Công Lý rất tình cờ. Cuối năm 1987, khi đọc số báo đầu tiên của Tạp chí Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng, trong  bài viết của tác giả Đỗ Chí Thành (nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng của thành phố) viết về Giám mục.

Ngay sau đó tôi tìm gặp tác giả để hỏi rõ thêm về Nguyễn Công Lý, thấy tôi tỏ vẻ chưa thoả mãn, bác Thành khuyên tôi đến gặp Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo là người giới thiệu Nguyễn Công Lý vào Đảng.

Thật may mắn, nhân một chuyến khai thác tư liệu kể rồi "tháp tùng" Thượng tướng Hoàng Minh Thảo xuống thăm lại Sở Chỉ huy tiền phương của Chiến khu 3 trong 7 ngày đầu kháng chiến ở Hải Phòng (nay là trụ sở Ban CHQS quận Lê Chân), tôi mạnh dạn hỏi Thượng tướng về Nguyễn Công Lý. Nghe tôi đặt vấn đề, mắt Thượng tướng như sáng thêm lên. Ông hồ hởi nói ngay: "Nguyễn Công Lý đúng là một nhân vật lịch sử rất đặc biệt, có thể nói là chưa từng có của quân đội ta. Với cương vị là Tư lệnh Chiến khu 3, mình là người giới thiệu Nguyễn Công Lý vào Đảng. Hai anh em thi thoảng vẫn gặp nhau". Tuy vậy, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo cũng yêu cầu, để biết rõ hơn về nhân vật lịch sử này, tôi phải tìm hiểu thêm về Chiến khu Trần Hưng Đạo qua các cán bộ tiền khởi nghĩa, như: Trần Đức Thịnh[1], Hoàng Ngọc Lương[2], Nguyễn Kiên Tranh[3], Bùi Sinh[4] Nguyễn An[5], Lê Hai[6], Nguyễn Hữu Sở[7].

Sau nhiều lần làm việc với Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và được Thượng tướng tận tình chỉ dẫn, tôi cùng Đại tá Phạm Văn Khải (Cục trưởng) và các anh Trần Đỗ Thành, Vũ Ngọc Linh (Ban Lịch sử Tổng kết) Cục Kỹ thuật Quân khu 3 đã lần lượt làm việc với các nhân chứng lịch sử kể trên. Thượng tướng còn đích thân dẫn chúng tôi đến nhà riêng thăm và làm việc với bác Nguyễn Công Lý tại nơi đặt trụ sở báo “Người Công giáo yêu nước” ở số 7 phố Tràng Thi (Hà Nội). Nhờ đó, chúng tôi đã "phục dựng" được những nét chính về nhân vật lịch sử đặc biệt này.

Sau khi Chiến khu Trần Hưng Đạo được thành lập (16-7-1945), đồng chí Nguyễn Bình[8] cùng các cán bộ chủ chốt của Chiến khu rất quan tâm tới việc tự chế tạo, sản xuất vũ khí. Nhiều công nhân cơ khí ở T.P Hải Phòng, Mạo Khê (Quảng Ninh) cùng thợ rèn của các làng nghề thủ công nổi tiếng trong vùng, chủ yếu là thợ rèn làng Thiên Đông, Thủy Nguyên (nay thuộc T.P Hải Phòng được Nguyễn Bình và các đồng chí của ông giác ngộ đã vào Chiến khu lập Binh công xưởng.

Ban đầu Xưởng đứng chân ở xã Thiên Đông, có 17 công nhân cùng một số máy móc cũ lấy được ở mỏ Mạo Khê. Sau Cách mạng Tháng Tám, Xưởng chuyển về ở chân núi Phù Liễn, Kiến An, có nhiệm vụ rèn đúc vũ khí thô sơ, mua sắm, sưu tầm, sửa chữa, sản xuất mìn, lựu đạn, súng cối... Giám đốc Xưởng đầu tiên chính là Nguyễn Công Lý - tức Giám mục Đờ-va-di-ly.

Đờ-va-di-ly vốn cùng quê với Nguyễn Bình (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh trưởng trong một gia đình công giáo, từ nhỏ đã được nuôi dạy, đào tạo ở Tòa thánh Va-tì-căng. Chưa đầy 30 tuổi, ông đã có bằng Tiến sĩ Thần học, bằng Kỹ sư Hoá vô cơ, được thụ phong Giám mục và được đeo “nhẫn mình thánh”, làm Bí thư cho Hồng y 72 (Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tòa thánh Va-ti-căng). Ông thông thạo 6 ngoại ngữ: Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Đờ-va-di-ly được Toà thánh đặc phái sang Đông Dương với sứ mệnh như Đặc sứ toàn quyền của Va-ti-căng, có nhiệm vụ bàn bạc, thống nhất với chính quyền Pháp ở Đông Dương về các chính sách của Giáo hội chuẩn bị đối phó với phát xít Nhật sắp đánh chiếm Đông Dương. Ngày 9-3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Đờ-va-di-ly chạy về đồn điền Mông Dương (Quảng Yên).

Vốn biết rõ Đờ-va-di-ly từ khi còn nhỏ, Nguyễn Bình đến gặp, mời ông lên Chiến khu tham gia Cách mạng. Là một trí thức thông tuệ, có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước nhiệt thành, gặp Nguyễn Bình, Đờ-la-di-ly mới biết rõ Việt Minh chính là một tổ chức cách mạng chân chính, được thành lập theo đường hướng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nên đã giải toả được những mặc cảm, hiểu lầm trước đây về Việt Minh. Ông đặc biệt ngưỡng mộ Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Vì thế ông đã nhận lời vào Chiến khu tham gia Việt Minh và được Nguyễn Bình đặt tên mới là Nguyễn Công Lý.

Theo yêu cầu của Nguyễn Bình, Nguyễn Công Lý lập ngay phương án xây dựng xưởng sản xuất vũ khí. Xưởng vũ khí của Chiến khu Trần Hưng Đạo (sau là Chiến khu 3) do Nguyễn Công Lý là Giám đốc chính là Binh công xưởng đầu tiên ở miền Bắc chế tạo thành công 3 khẩu súng cối 60mm và 2.000 quả lựu đạn gửi vào chi viện kịp thời cho Nam Bộ kháng chiến đầu tháng 10-1945[9]. Binh công xưởng cũng là nơi sản xuất những quả địa lôi đầu tiên dùng để đánh phá các đoàn xe lửa chở quân và vũ khí đạn dược của thực dân Pháp từ cảng Hải Phòng lên chi viện cho đồng bọn ở Hà Nội. Với những chiến công xuất sắc trên, tháng 5-1947, Nguyễn Công Lý vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.  

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Công Lý được bổ nhiệm làm Giám đốc Binh công xưởng XB ở Quỳnh Côi (Thái Bình), sau đó làm Giám đốc Binh công xưởng cơ khí Liên khu 3-4[10]. Trong một lần sửa chữa súng SKZ60, không may Nguyễn Công Lý bị thương cụt mất 5 ngón tay và vẫn tiếp tục gắn bó với nhiệm vụ sửa chữa, chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến.

Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Nguyễn Công Lý chuyển ngành, về làm việc ở báo “Người Công giáo yêu nước”, sống bình lặng cho đến khi qua đời vào năm 1999.

Tìm hiểu cuộc đời của Nguyễn Công Lý - một vị Giám mục, một trí thức tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có lẽ chúng ta chỉ có thể dùng các cụm từ: “Khâm phục, kính trọng, ngưỡng mộ” tinh thần yêu nước cháy bỏng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc dành cho Nguyễn Công Lý nói riêng và cho đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung. Tinh thần đó, ý chí đó, khí phách "dĩ công vi thượng" đó của Nguyễn Công Lý và các trí thức Việt Nam tham gia kháng chiến chống Pháp mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.

Đại tá, TS Vũ Tang Bồng


[1] Đồng chí Trần Đức Thịnh - nguyên Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ (1941-1945).  

[2] Đồng chí Hoàng Ngọc Lương - nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng (năm 1945)  

[3] Đồng chí Nguyễn Kiên Tranh - nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng (năm 1945).  

[4] Thiếu tướng Bùi Sinh - nguyên Chủ nhiệm Khoa Chiến lược, Học viện quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng).  

[5] Thiếu tướng Nguyễn An - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.  

[6] Trung tướng Lê Hai - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.    

[7] Thiếu tướng Nguyễn Hữu Sở - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 3.  

[8] Đồng chí Nguyễn Bình (1908-1951), sau Cách mạng Tháng Tám là Tư lệnh Chiến khu Duyên Hải - Đông Bắc. Tháng 10-1945, được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào làm Tư lệnh giải phóng quân Nam Bộ, kiêm Tư lệnh Khu 7; được phong Trung tướng tháng 1-1948, là Trung tướng đầu tiên và duy nhất của Quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp. Hy sinh năm 1951.  

[9] Phòng Tổng kết, Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần, Lịch sử các hoạt động hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1954), Nxb QĐND, H, 1958, trang 9.  

[10] Lịch sử Quân giới Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb Lao động, H, 1990 (Phần phụ lục), tr.180, 198, 203.