Sản phẩm thuốc diệt chuột Biorat đã bị Bộ NNPTNT cấm lưu hành ở Việt Nam từ năm 2018 (ảnh minh họa).
Đầu năm 2021, gần 10 tấn thuốc diệt chuột đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam nhưng lại được TP.Thanh Hóa sử dụng để diệt chuột. Việc dùng sản phẩm này hành khiến cho không ít người dân lo lắng…
Dùng hàng theo mời chào của nhà sản xuất?
Theo kế hoạch của Ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2021, các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị công sở, trường học, bệnh viện, nông trại, trang trại, các khu công nghiệp… trên địa bàn T.P Thanh Hóa đồng loạt triển khai sử dụng thuốc diệt chuột Biorat.
Việc sử dụng sản phẩm này dấy lên những quan ngại khi Bộ NNPTNT đã rút giấy phép lưu hành ở Việt Nam trước đó do sản phẩm có chứa vi khuẩn Salmonella enteritidis, không đảm bảo an toàn với con người và động vật máu nóng.
Đáng chú ý, theo lý giải từ người có trách nhiệm ở T.P Thanh Hóa, thì việc sử dụng thuốc diệt chuột đã bị cấm lưu hành là do cán bộ tham mưu chưa cập nhật kịp thời thông tin về sản phẩm bị cấm.
Ông Lê Văn Hùng - Trưởng phòng Y tế T.P Thanh Hóa cho biết: Việc sử dụng sản phẩm thuốc diệt chuột Biorat đã diễn ra nhiều năm nay ở trên địa bàn thành phố. 10 năm trở lại đây, Phòng Y tế là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo thành phố thực hiện chiến dịch diệt chuột nhằm phòng, chống bệnh dịch hạch trên địa bàn. Với đặc thù là thành phố đông dân cư, ngày 20 và 21-12-2020, Phòng Y tế đã tham mưu kế hoạch, họp và triển khai kế hoạch diệt chuột năm 2021. Tuy nhiên, 10 ngày sau, Chi cục BVTV của tỉnh có văn bản thông báo sản phẩm thuốc diệt chuột Biorat do Công ty TNHH LABIOFAM Việt Nam sản xuất tại Trà Nóc (Cần Thơ) đã tạm dừng lưu hành ở Việt Nam.
“Khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết sản phẩm Biorat đã dừng sử dụng mấy tháng nay và đang trong giai đoạn chờ gia hạn cấp phép. Do chưa được gia hạn, Cục BVTV và Cần Thơ lại cho nhà máy ở Trà Nóc sản xuất để xuất khẩu ra một số nước. Tuy nhiên, do dịch Covid nên sản phẩm này không xuất đi được, phải nằm tại kho. Thành phố thì năm nào cũng tổ chức diệt chuột và dịp này lại làm. Họ có văn bản nhường cho thành phố thuốc xuất khẩu bị ứ đọng lại do Covid nên T.P Thanh Hóa mới sử dụng. Không có vấn đề gì xảy ra cả vì thuốc này là thuốc sinh học và chúng tôi cũng sử dụng sản phẩm này 10 năm nay rồi...” - ông Hùng cho biết tiếp.
Hàng tấn thuốc được đưa vào sử dụng
Vẫn theo ông Hùng thì năm nay T.P Thanh Hóa sử dụng khoảng 7-8 tấn thuốc Biorat cho chiến dịch diệt chuột. Sản phẩm do Công ty Nông Thương ở Hà Nội cung cấp. Ngành Y tế của thành phố là đơn vị triển khai. “So với mọi năm, tỷ lệ này là rất ít bởi toàn thành phố có 34 xã, phường, hàng trăm nghìn hộ dân; số lượng cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn nhiều, nên lượng thuốc dùng cho diệt chuột rất lớn. “Nếu mà tính dùng đủ thì phải lên tới vài chục tấn” - ông Hùng nhận định.
Trả lời về nguồn tiền sử dụng mua thuốc lấy từ đâu, ông Hùng cho biết là việc triển khai mua thuốc diệt chuột được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Các hộ dân đăng ký mua thông qua các trạm y tế xã, phường và nộp tiền. Giá tiền phía công ty họ bán cho thành phố với giá 110.000 đồng/kg, ngoài thị trường khoảng 130.000 đồng/kg.
“Năm nay do dịch Covid nên các hộ dân tham gia mua thuốc diệt chuột không nhiều. Nếu 7-8 tấn chia cho 34 xã - phường và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thì không ăn thua. Sản phẩm này nó có ưu điểm là khi đánh thuốc, sẽ gây bệnh thương hàn cho chuột, sau đó chuột chết từ từ. Chuột ăn thuốc 2-3 ngày sau mới nhiễm bệnh, rồi một tuần sau mới chết do ốm yếu. Trong quãng thời gian này nó còn lây bệnh cho những con khác. Tuy nhiên, có nhược điểm là thuốc không gây cho chuột chết ngay nên nó chạy lên trần nhà, ngóc ngách nhà rồi chết, gây mùi thối”.
Trao đổi qua điện thoại, bà Phạm Thị Việt Nga - Phó chủ tịch UBND T.P Thanh Hóa thừa nhận việc sử dụng sản phẩm Biorat đã hết hạn lưu hành là do anh em Phòng Y tế sơ suất, chưa nghiên cứu kỹ Thông tư 20/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT về danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, lưu hành ở Việt Nam.
Vì vậy, anh em tham mưu cứ nghĩ Warfarin là hoạt chất nằm trong danh mục được phép, nhưng về thương phẩm (chế xuất ra sản phẩm) thì sản phẩm lại không được phép lưu hành. Trong sản phẩm Biorat có hai thành phần hoạt chất là Warfarin và Tali (Talium Compond TI). “Hoạt chất thì được lưu hành, nhưng thương phẩm (đã chế ra sản phẩm) có hoạt chất này thì không được lưu hành. Còn Tali thì mới bị cấm ở Thông tư 20 nhưng vẫn được sản xuất để xuất khẩu” - bà Nga nói thêm.
Được biết, sau khi phát hiện sản phẩm Biorat bị cấm lưu hành ở Việt Nam lại được sử dụng rộng rãi ở T.P Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có chỉ đạo làm rõ việc sử dụng thuốc diệt chuột Biorat và xem xét trách nhiệm của những người liên quan.
Ngày 20-2-2021, trao đổi qua điện thoại, ông Lê Văn Hùng - Trưởng Phòng Y tế T.P Thanh Hóa cho biết: Thành phố cũng có báo cáo UBND tỉnh về vụ việc này. Sau khi tỉnh có đạo, thành phố đã dừng toàn bộ việc sử dụng sản phẩm Biorat và xem xét kiểm điểm bộ phận tham mưu, đồng thời cho tiến hành thu hồi các sản phẩm còn tồn chưa sử dụng để tiêu hủy tại chỗ. Việc tiêu hủy được thực hiện theo quy trình hướng dẫn của Trung tâm y tế. Sản phẩm được thu hồi lại và chôn lấp cách xa nguồn nước. Các hố chôn được phun CloraminB và rắc vôi bột để xử lý, tránh gây ô nhiễm ra môi trường.
Doanh Chính