Dâng bánh trôi trong ngày hội làng.
Theo lịch sử ghi lại, trước khi tuẫn tiết, Hai Bà có trở lại Hát Môn và vào quán ven đê, mỗi bà ăn một đĩa bánh trôi. Lúc ấy là buổi sáng ngày 6-3 âm lịch.
Từ đó, ngày 6-3 hằng năm các bô lão trong làng chọn nhà của một gia đình hòa thuận, có kinh tế khá giả để làm bánh trôi dâng lên Hai Bà 100 viên bánh, mỗi viên chỉ nhỏ bằng quả mận. Tế thần xong, dân làng đem 49 viên đặt vào lòng một bông hoa sen thả ra sông Hát trôi về biển.
Gạo làm bánh trôi phải là nếp cái hoa vàng thượng hạng, thơm ngon, nước làm bánh được lấy từ giếng thiêng trong làng (gọi là nước Chí thành). Bánh được làm hết sức công phu, khi chín có màu trắng, trong, tròn, không nát và phải là bánh chay. Đây được coi như một thứ bánh Thánh. Nếu chưa hết ngày mùng 6-3, người dân Hát Môn dù đi đâu được bạn bè mời ăn bánh trôi, họ cũng không bao giờ ăn để thể hiện lòng thành kính đối với Hai Bà Trưng.
Gần 2.000 năm đã đi qua nhưng phong tục làm bánh trôi và lễ hội đền Hát Môn vẫn có một sức sống kỳ lạ, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và lòng tôn kính, biết ơn Hai Bà Trưng của nhân dân địa phương.
Thu Thảo