Theo tục lệ thì con trai trưởng là người chịu trách nhiệm lo cúng giỗ bố mẹ. Đến ngày giỗ, con cháu sẽ tập trung ở nhà ông trưởng để làm giỗ. Trường hợp con trai trưởng mất thì tổ chức tại nhà cháu đích tôn. Nếu người được giỗ là hàng cao thì con cái, cháu chắt đến nhà trưởng tộc làm giỗ. Con gái và con trai thứ chịu trách nhiệm góp giỗ cho con trai trưởng. Các cháu, chắt cũng là những người đóng góp thêm để giảm bớt gánh nặng chi phí cho trưởng chi hay trưởng tộc.
Lễ gửi góp giỗ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào hoàn cảnh và mối quan hệ với người chết của từng gia đình. Trước đây, gần đến ngày giỗ, những người đóng giỗ thường đem tiền, gạo đến góp cho trưởng chi để chuẩn bị tổ chức giỗ. Một số gia đình, dòng họ còn có ruộng hương hỏa, cày cấy lấy phần lợi nhuận cho người làm giỗ.
Ngày nay có nhiều đổi khác, con cháu thường góp giỗ bằng tiền và các đồ lễ vật khác như: vàng hương, trái cây, bánh kẹo... Cũng có người gửi giỗ là những vật phẩm thuộc sở thích của người quá cố. Một số gia đình tổ chức giỗ trong phạm vi hẹp lại phân công mỗi anh chị em trong nhà chuẩn bị một vài món theo sở trường từng người rồi đem đến tập trung lại bày cỗ...
Những người sống ở xa không có khả năng về dự giỗ thì gửi đồ lễ cho trưởng họ và cúng vọng mời vong linh người quá cố về hưởng giỗ tại nhà mình.
Về thời gian cúng giỗ, ngày nay nhiều gia đình không câu nệ, mà có thể cúng trước một, hai ngày nếu đó là ngày nghỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho con cháu được dự giỗ đông đủ. Vào sáng ngày chính giỗ, chỉ thắp hương tưởng nhớ người đã khuất và yết cáo Tổ tiên, Thần Phật.
Những đồ lễ mang gửi giỗ sẽ được đem cúng hết trong ngày giỗ. Cúng xong, ăn không hết, sẽ chia phần cho con cháu trong gia đình, các cành, chi trong họ.
Thu Thảo