Đáng mừng là Nghị quyết 11 của Chính phủ được đón nhận tích cực. Các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp và từng hộ gia đình đều có kế hoạch, chương trình triển khai nội dung, việc làm cụ thể. Tuy nhiên, từ thực hiện đến kết quả đạt được còn những khoảng cách.

Việc sử dụng xe công không hợp lý chuyển biến chưa nhiều; việc dùng máy điều hoà nhiệt độ, tủ lạnh, đèn thắp sáng trong các cơ quan (và từng gia đình), việc hội họp rềnh ràng tốn nhiều thời gian và công quỹ, việc thiếu tập trung giờ làm việc ở cơ quan… “có chuyển biến”, nhưng còn chậm...

Thiết nghĩ, tiết kiệm là truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của người Việt Nam chúng ta, còn lãng phí xa hoa chỉ là thói xấu của một bộ phận nhỏ. Hơn nữa, nó thuộc phạm trù đạo đức như Bác Hồ từng nói: “Người có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức thì không thành người”. Từng người cần tự giác rèn luyện đức tính tiết kiệm, điều chỉnh nhận thức và hành vi không đúng. Trẻ em, học sinh mới lớn cần được gia đình và nhà trường giáo dục ý thức tiết kiệm, kẻo măng đã thành tre thì rất khó uốn. Người đứng đầu cơ quan, xí nghiệp cần gương mẫu và quan tâm chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ trưởng đi trước, cán bộ nhân viên tiếp bước theo sau.

Tóm lại, quyết tâm và sự đồng tình nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, nhất là của Hội CCB chúng ta đã có, hãy triển khai thật tốt ở các cấp “vĩ mô” lẫn “vi mô”. Cần đưa tiết kiệm trở thành phong trào thi đua rộng rãi.

XUÂN YẾN