Các hồ thủy điện đang dần cạn nước, việc chi viện điện từ Bắc vào Nam đang trong nguy cơ quá tải… Tiết kiệm điện đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mỗi gia đình; mỗi cơ quan, doanh nghiệp hiện nay.

Mùa khô này, có nhiều tác động bất lợi đến việc sản xuất và cung ứng điện trên phạm vi cả nước, trong đó chủ yếu là do không có mưa trên diện rộng và thời gian kéo dài, mặt khác, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt dân cư và cho sản xuất vẫn không ngừng tăng cao. Tuy chưa lập hạ nhưng nắng nóng đã diễn ra nhiều ngày tại nhiều vùng, lượng mưa rất thấp, thậm chí có những địa bàn chuyện không có mưa đã kéo dài nhiều ngày. Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam, trong tháng 3-2013, dự kiến phụ tải của hệ thống điện đạt tới 355 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 17.700-17.900 MW; trong các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4,5,6) phụ tải sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt là khu vực miền Nam. Trong khi đó, hiện nay, mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mức nước bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tổng lượng nước các hồ thiếu hụt so với bình thường khoảng 5,297 tỷ mét khối, trong đó miền Bắc hụt khoảng 1,9 tỷ mét khối; miền Trung hụt khoảng 2,623 tỷ m3. Ở khu vực miền Bắc, nước về các hồ thủy điện lớn như Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang đều thấp hơn trung bình nhiều năm (tần suất nước về ở mức 75-89%). Các hồ thủy điện ở miền Nam nước về thấp hơn cùng kỳ năm 2012, đặc biệt các hồ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn tiếp tục khô hạn do năm 2012 không có lũ. Ở Tây Nguyên, lưu lượng nước bình quân về hồ thủy điện Sông Ba Hạ rất thấp, chỉ đạt 23-25 m3/s; Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 lưu lượng nước về hồ chỉ từ 18-19 m3/s; trong khi đó thủy điện Đồng Nai 2 sẽ tích nước từ quý I nên mùa khô này, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 sẽ thiếu hụt khoảng 200 triệu kWh. Ngoài ra, nguồn khí Cửu Long thường xuyên vận hành không ổn định, không đủ đáp ứng nhu cầu của Nhà máy điện Bà Rịa. Một số nhà máy nhiệt điện cũng vận hành không ổn định, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 và 2; Hải Phòng, Quảng Ninh… Từ tháng 2 đến nay, phụ tải trên toàn tuyến dây cao thế đã tăng hơn 10% do thời tiết nắng nóng kéo dài ở các tỉnh, thành phố miền Nam, nhu cầu sử dụng điện trong dân cư tăng cao, cùng với đó là nhu cầu điện sản xuất ngày càng lớn tại các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…; hệ thống truyền tải 500-220 kV luôn trong tình trạng căng thẳng vì quá tải, thêm nữa, trong năm 2013 này không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành. Để ứng phó, EVN sẽ phải huy động khoảng 1,113 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO với giá thành cao gấp nhiều lần thủy điện, cùng đó là tiếp tục mua 3,6 tỷ kWh điện từ Trung Quốc. Nguy cơ thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất, do vậy vẫn là rất lớn.

Để giải quyết vấn đề sản xuất và cung ứng điện, hiện nay các bộ, ngành đang tập trung phấn đấu như Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đảm bảo duy trì ổn định lượng khí cấp cho các nhà máy phát điện, Tập đoàn điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2, thủy điện Bản Chát, tổ máy 1 Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Quảng Ninh 2; nâng công suất các trạm 500 kV; bố trí hợp lý lịch sửa chữa, tích nước tối đa các hồ thủy điện. Ngoài ra, vấn đề không thể thiếu là tiết kiệm điện trong tiêu dùng và trong sản xuất từ mỗi hộ gia đình, từ mỗi cơ quan, doanh nghiệp trong những việc đơn giản như tắt các bóng đèn không thật sự cần thiết và như thông điệp của Giờ trái đất năm 2013: “Tôi và bạn hãy cùng hành động”, tiết kiệm cùng đất nước và cũng là tiết kiệm chi tiêu cho chính mỗi gia đình, mỗi cơ quan, doanh nghiệp. Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, trong 60 phút tắt đèn của chiến dịch Giờ trái đất ngày 23-3-2013, cả nước đã tiết kiệm được 401.000kWh. Năm 2012, cả nước đã tiết kiệm được 1,67 tỷ kWh điện (bằng 1,5% điện thương phẩm cả nước); trong năm 2013 này, mục tiêu đặt ra là cả nước tiết kiệm được hơn 2 tỷ kWh điện. Để đạt được mục tiêu này, việc cần làm là từ mỗi chúng ta.

Bài và ảnh: THANH HUYỀN