
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (bên trái) kể về cuộc hành quân đặc biệt.
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu từng giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khóa VIII, IX, X) và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (từ năm 1998 đến 2011).
Trong đời binh nghiệp, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tham gia trực tiếp 67 trận đánh. Năm 26 tuổi, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng.
Mới đây, trong chương trình gặp mặt, giao lưu 50 đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, tướng lĩnh, CCB trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với chủ đề "50 năm toàn thắng về ta", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã kể câu chuyện rất xúc động về cuộc hành quân lịch sử tiến vào Sài Gòn mùa xuân năm 1975.
“50 năm về trước, lúc đó tôi là Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 đang thực hiện cuộc hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào phía Nam để làm nhiệm vụ dự bị cho cuộc tiến công vào TP. Huế, nhưng ngày 26-3-1975 thì Huế đã được giải phóng. Sau đó, Trung đoàn được lệnh quay ra Đông Hà, qua đèo Ang Bun và bắt đầu cuộc hành quân theo đường Trường Sơn Đông, tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Khi Trung đoàn 27 hành quân đến đèo Ang Bun thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15W với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Tôi phổ biến mệnh lệnh này cho cán bộ, chiến sĩ. Anh em lúc đó quên hết mệt nhọc, bừng dậy, tiếp tục hành quân. Đêm 25-4-1975, toàn Trung đoàn 27 đã tập kết ở Bàu Cá Trê, cách Tân Uyên (Bình Dương) khoảng 5km. Rạng sáng, chúng tôi tiến công nhanh bằng bộ binh cơ giới, đánh qua Tân Uyên, bắt tù binh địch, ngồi lên xe tăng dẫn đường cho quân giải phóng tiếp tục tiến quân qua Bình Chuẩn...
Đêm 29-4, Trung đoàn 27 đã đến Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10km. Lúc đó, trục đường 13 mịt mù đêm tối, nhưng riêng có một căn nhà lá đơn sơ có ánh đèn lúc sáng lúc mờ. Tôi nghĩ: Đây có thể là cơ sở của ta. Tôi cùng tổ trinh sát đi qua nghĩa địa, qua bìa rừng, cho trinh sát vào hô “Hồ Chí Minh” 3 lần. Một lát sau có bà má ra mở cửa, đáp lại “muôn năm”. Quả thật đúng là cơ sở của ta.
Tiến vào trong căn nhà lá, tôi thưa với má: Con là chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày mai đơn vị chúng con có nhiệm vụ theo trục đường đánh chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình và đánh vào Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy; nếu má có thông tin thì cung cấp cho chúng con.
Má vào trong buồng lấy ra một bản đồ, tôi thấy má đã ghi rất kỹ, nét chữ rất đẹp. Sau này tôi mới biết má là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn.
Theo má, cách nơi tập kết của Trung đoàn 5km là trại Huỳnh Văn Lương, có khoảng 2.000 hạ sĩ quan do một đại tá chỉ huy. Má bảo với tôi: “Ngày mai tiến công vào, các con không cần đánh, họ sẽ đầu hàng. Các con phải chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình thật nhanh. Nếu không chiếm được cầu Vĩnh Bình thì các con không vào được Sài Gòn bằng cơ giới..
Tôi hỏi: Thưa má, còn con đường nào khác không?
Má trả lời: Có đường sắt Lái Thiêu, nhưng xe tăng các con không đi được. Sáng mai má và hai con của má sẽ ngồi lên xe tăng để dẫn đường cho các con tiến công vào Gò Vấp.
Tôi đáp lại: -Thưa má, má già rồi, các em còn nhỏ. Chúng con đánh xong sẽ quay lại cảm ơn má và đồng bào.
Vào lúc 4 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975, Trung đoàn 27 bắt đầu tiến công bằng cơ giới. Lúc đó, có một tiểu đoàn đã luồn sẵn vào Lái Thiêu. Qua Lái Thiêu, Trung đoàn phát hiện xe tăng của địch, bắn cháy 3 chiếc, đồng thời bắt sống chiếc “vua chiến trường” (Pháo tự hành M107, hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).
Tiếp tục truy đuổi, chúng tôi đánh vào cầu Vĩnh Bình - tuyến thủ cuối cùng để tiến vào Sài Gòn. Địch chống cự nên chúng tôi phải dùng toàn bộ hoả lực có trong trung đoàn, trút nòng xuống để kiềm chế, cho lực lượng cơ giới chiếm cầu. Cầu này, như má nói, có dây thép gai chằng chịt, có thùng phuy đựng cát chắn đường. Đến 9 giờ sáng, Trung đoàn đã chiếm được cầu Vĩnh Bình. Đồng chí Hoàng Thọ Mạc - Đại đội trưởng Đại đội xe tăng Trung đoàn đã bắn cháy 3 xe tăng địch. Sau khi xe của đồng chí bị hỏng, đồng chí đã xuống chỉ huy tổ B40, B41 và tiếp tục bắn cháy thêm 3 xe nữa. Nhưng không may, đồng chí Hoàng Thọ Mạc đã bị thương nặng và hy sinh. Thấy vậy, tôi đã quyết định đưa thi hài đồng chí Hoàng Thọ Mạc lên xe để cùng đồng đội tiến công về Sài Gòn…”.
Chia sẻ về cảm xúc chiến thắng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói:"Chúng tôi đã thực hiện trọn vẹn lời của Bác trước khi đi xa: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào /Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn".
Đỗ Phú Quý