Kể từ ngày 23-8-2021 cho đến thời điểm hiện tại, T.P Vinh đã trải qua 4 đợt giãn cách xã hội (sau đây gọi là giãn cách) cao hơn mức Chỉ thị (CT) 16-CP. Những đợt giãn cách này nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, vấn đề cung ứng lương thực thực phẩm còn rất nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm, bổ cứu.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An nhiều lần ra quyết định thực hiện giãn cách theo CT 15 và CT 16-CP. Đến ngày 23-8, UBND tỉnh Nghệ An quyết định nâng biện pháp giãn cách xã hội trên một mức so với CT 16-CP. Theo đó, người dân T.P Vinh "Ai ở đâu, ở yên đó". Thời gian áp dụng là 7 ngày, bắt đầu từ ngày 23 đến hết 0 giờ ngày 29-8-2021. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An gia hạn thực hiện biện pháp giãn cách nói trên thêm hai lần nữa, mỗi đợt 3 ngày. Cụ thể là đến ngày 9-9-2021. Theo nội dung và tinh thần của các quyết định thực hiện giãn cách, thì: Người dân tuyệt không được phép đi ra ngoài, kể cả để đi mua lương thực thực phẩm, hay đồ dùng thiết yếu.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo: Trong quá trình thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nâng cao, T.P Vinh phải đảm bảo các điều kiện, cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân; không để đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa. Đặc biệt không để việc tăng giá hàng hóa, thực phẩm do lợi dụng giãn cách xảy ra; giao cho Sở Công thương phối hợp với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa, lương thực để người dân yên tâm, không ra khỏi nhà trong thời gian thực hiện giãn cách. Việc mua lương thực, thực phẩm của người dân được hướng dẫn chỉ đăng ký qua tổ dân phố nơi mình sinh sống.
Tuy nhiên, đã có rất nhiều người dân tại T.P Vinh không thể mua được lương thực, thực phẩm cần thiết dù đã làm đúng như hướng dẫn của chính quyền. Chỉ một số ít người đăng ký mua được thực phẩm, nhưng giá cả thì đắt gấp 4 lần ngày thường. Tại một tổ dân cư thuộc phường Cửa Nam, T.P Vinh, một người dân đăng ký qua tổ dân phố 5 loại hàng hóa, trong đó có thực phẩm. Sau 3 ngày người dân mới nhận được hàng, nhưng chỉ có 2/5 mặt hàng đã đăng ký. Thực phẩm là cá và thịt thì không có. Nhưng khi nhìn vào hóa đơn thì không khỏi giật mình... vì quá đắt. Theo hóa đơn thì 1 nải chuối có giá 107.000 đồng, 1 quả dưa hấu (3 kg) có giá 106.000 đồng. Trong khi đó, nếu không giãn cách thì nải chuối, hoặc quả dưa hấu này không quá 30.000 đồng.
Tại sao lại có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, khiến cho người dân không mua đủ, thậm chí không mua được lương thực thực phẩm để sử dụng hằng ngày dù đã có sự chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An và T.P Vinh?
Đầu tiên phải kể đến việc thiết lập, triển khai và tổ chức chuỗi cung ứng, cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân chưa phù hợp, thiếu khoa học.
Cụ thể, với dân số hơn 350.000 người, nhu cầu tiêu thụ rau củ quả mỗi ngày cho T.P Vinh khoảng 95 tấn. Thế nhưng, chính quyền không chủ động phối kết hợp, lựa chọn nhà cung cấp có đủ năng lực để cung ứng cho người dân. Việc cung ứng chỉ phụ thuộc vào hệ thống cửa hàng Vinmart là không thể đủ, bởi năng lực của hệ thống cửa hàng này còn quá nhỏ so với nhu cầu.
Trong khi đó, chỉ cách T.P Vinh chưa đến 20km, tại các huyện như Nghi Lộc, Nam Đàn đã có hàng nghìn tấn rau xanh không thể tiêu thụ, có nguy cơ phải bỏ dẫn đến thiệt hai kinh tế rất lớn cho nông dân.
Về nhân lực thực hiện cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân cũng chỉ dựa vào một kênh duy nhất là đăng ký qua tổ dân cư. Trong khi đó, nhân lực trực thuộc chính quyền tại các tổ dân cư thì không đủ, rất thiếu. Có nơi như phường Hà Huy Tập còn phải huy động cả lực lượng CCB vào cuộc, nhưng vẫn không thể “chạy” kịp các đơn hàng của người dân. Chưa kể lực lượng “shipper không chuyên” này phần nhiều là các cụ, các bác đã có tuổi và không có kỹ năng mua hàng. UBND tỉnh Nghệ An và T.P Vinh đã không lường trước được các bất cập, khó khăn sẽ xảy ra khi cấm các shipper chuyên nghiệp hoạt động.
Chính vì những bất cập nói trên đã dẫn đến nghịch lý: Nội thành thì khan hiếm, ngoại thành dư thừa, có nguy cơ phải hủy bỏ.
Để đối phó với tình trạng này, UBND và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An cần có các giải pháp nhằm đảm bảo chuỗi cung cấp lương thực, thực phẩm không bị đứt gãy thì người dân mới yên tâm và thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội.
Theo chúng tôi, đây là việc hoàn toàn có thể thực hiện được. Bởi T.P Vinh hiện nay, có đến 3 siêu thị và nhiều Công ty XNK lương thực đang hoạt động nhiều năm qua. Các siêu thị và Công ty XNK nông sản này có sẵn hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển và nhân lực đủ để cung cấp hàng hóa cho người dân thành phố.
Thiết nghĩ, nếu trong trong hệ thống thống cơ quan phòng, chống dịch có thành phần nhân sự là một ông giám đốc siêu thị, hay giám đốc Công ty XNK nông sản thì chắc chắn việc cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Bởi lẽ, Sở Công thương là cơ quan quan lý Nhà nước, không phải là cơ quan kinh doanh để có thể trực tiếp thực hiện được việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân.
Dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, rất có thể phải chấp nhận nhiều đợt giản cách xã hội nữa. Vậy nên, việc rút kinh nghiệm kịp thời để ứng phó lâu dài là điều cần thiết. Người dân sẽ tin tưởng và yên tâm thực hiện nghiêm các chủ trương phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của chính quyền khi các nhu cầu thiết yếu được đảm bảo.
Thế Sơn