Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Trong chương trình thăm, làm việc tại tỉnh Đồng Tháp, chiều 13-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh để Đồng Tháp phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
* Phát triển cân bằng, toàn diện, bền vững
Trong bối cảnh khó khăn chung, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả quan trọng. Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,62%, xếp thứ 5/13 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô kinh tế năm 2022 xếp thứ 5/13 trong Vùng và xếp thứ 29/63 cả nước. GRDP bình quân năm 2023 ước đạt 68,83 triệu đồng/người. Tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả cao, xây dựng được các chuỗi ngành hàng hiệu quả. Đồng Tháp đứng thứ ba cả nước về sản phẩm OCOP với 357 sản phẩm. Có 94,78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của tỉnh ước tăng 5,89%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 6,96%; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 21.671 tỷ đồng, tăng 3,94%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 13,14%; tỉnh thu hút được 2,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 8,99%; thu ngân sách Nhà nước đạt 4.123 tỷ đồng, đạt 54,57% dự toán. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 50,38% kế hoạch.
Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, đạt 73,92%; thúc đẩy chuyển đổi số và điều hành thông minh; cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với chỉ số PCI năm 2022 xếp 5/63. Diện mạo đô thị nhiều đổi mới; hạ tầng giao thông có bứt phá.
Đồng Tháp phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp; tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội quảng bá hình ảnh, sản vật và các chương trình nghệ thuật đặc sắc; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường, nhất là với các địa phương của Campuchia.
Để phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh thành lập “Trung tâm đầu mối nông sản và thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười”; xây dựng mới Bảo tàng Đồng Tháp Mười; thành lập khu kinh tế chuyên biệt; nâng cấp Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước; phát triển điện mặt trời; đầu tư một số tuyến giao thông trọng điểm kết nối trên địa bàn tỉnh; khắc phục hậu quả sạt lở, sắp xếp dân cư trong khu vực có nguy cơ sạt lở dọc các sông, kênh…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải đáp các đề xuất, kiến nghị và gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp để Đồng Tháp phát triển nhanh, bền vững.
Các đại biểu cho rằng, tỉnh cần tăng cường quản lý tài nguyên; tập trung phát triển bền vững theo hướng: Phát huy hệ thống sông kênh, rạch phát triển giao thông thủy; phát triển nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao gắn với chế biến nâng cao giá trị sản phẩm; du lịch sinh thái, kinh tế cửa khẩu…
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Phân tích về vị trí, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Thủ tướng cho biết, Đồng Tháp có đường biên giới khá dài với Campuchia, với 2 cửa khẩu quốc tế; có hai con sông lớn là sông Tiền, sông Hậu đi qua; có diện tích đất phù sa lớn; hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều quốc lộ chạy qua; nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng; hệ sinh thái đa dạng với nhiều rừng đặc dụng và các vùng đất ngập nước; nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng; con người Đồng Tháp thân thiện, nghĩa tình, năng động, sáng tạo và truyền thống yêu nước nồng nàn, nhiều cán bộ Trung ương trưởng thành từ Đồng Tháp; tỉnh có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đặc biệt Đồng Tháp có khát vọng vươn lên phát triển...
“Tuy nhiên, tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; các tiềm năng, thế mạnh, nhiều chỉ số đánh giá tích cực ở mức độ cao chưa được chuyển thể thành nguồn lực và kết quả thực tế”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế tỉnh Đồng Tháp cần khắc phục như: Tăng trưởng GRDP, huy động vốn đầu tư còn thấp. Kinh tế phục hồi nhưng tốc độ phát triển còn chậm. Một số công trình, dự án còn chậm tiến độ. Tình trạng sạt lở, ô nhiễm kênh rạch đặt ra nhiều thách thức. Sắp xếp dân cư, quản lý môi trường còn nhiều thách thức. Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với tỷ lệ đô thị hóa chung cả nước.
* Xây dựng hình mẫu trong phát triển "tam nông"
Về nhiệm vụ thời gian tới, quán triệt quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiên phong, kiểu mẫu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh; dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để đạt mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Tháp thực hiện hiệu quả chiến lược trọng tâm, tạo sự phát triển bứt phá, bền vững dựa trên các trụ cột: Kinh tế nông nghiệp là động lực; công nghiệp chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo, công nghiệp bổ trợ là các mũi đột phá; tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Đồng Tháp khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; kết nối hiệu quả với các trung tâm kinh tế, khai thác tốt lợi thế kinh tế đối ngoại với Campuchia; phát huy nguồn lực về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Trước mắt, tỉnh Đồng Tháp phải hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy hoạch, tổ chức không gian phát triển liên huyện, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực mới; tập trung thúc đẩy ba động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tận dụng những ưu thế, ưu đãi của các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh; đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư (PPP); quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả; phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả; chú trọng bố trí dân cư, nhất là khu dân cư vượt lũ.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh kinh tế tư nhân; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư với một số quốc gia có tiềm năng.
Cùng với đó, Đồng Tháp phải tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ cao, năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, hình thành các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, lợi thế so sánh gắn với xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm OCOP; phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm đặc trưng, đặc thù.
Đặc biệt, tỉnh phải chú trọng bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trên các kênh, rạch để duy trì không gian sống, nguồn sinh kế quan trọng; có các kịch bản, giải pháp hiệu quả ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; bảo vệ rừng đặc dụng, giữ gìn đa dạng sinh học; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách đối với người có công; coi trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng lưu ý, tỉnh chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm; tăng cường công tác đối ngoại để góp phần duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí xem xét giải quyết theo thẩm quyền; yêu cầu các bộ, ngành và tỉnh phối hợp xử lý, căn cứ tình hình, nguồn lực chung và theo lộ trình phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, trách nhiệm, nguồn lực, cơ chế huy động các nguồn lực ngoài xã hội cho đầu tư phát triển.
TTXVN