Với 84,91% đại biểu Quốc hội tán thành, dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) với 7 chương và 76 điều đã được biểu quyết thông qua tại phiên làm việc sáng 26-11.Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo giải trình tại báo cáo số 767/BC-UBTVQH13 ngày 4/11/2014, trên cơ sở kết quả rà soát số lượng ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và thống nhất với các bộ, ngành hữu quan thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật. Tất cả 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều này đều đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhưng được tổng hợp trong Luật đầu tư để làm rõ hơn quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân. Do vậy, đề nghị giữ nguyên quy định về cấm mua bán người và bộ phận cơ thể người tại luật này. Về đề nghị bổ sung về nội dung cấm buôn bán, kinh doanh chất phóng xạ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết theo quy định của Luật năng lượng nguyên tử, một số cơ quan, tổ chức vẫn được xuất, nhập khẩu và vận chuyển vật liệu phóng xạ (trong đó có chất phóng xạ) sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Do vậy, nội dung này được tiếp thu, bổ sung vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 7), có ý kiến đề nghị quy định rõ những trường hợp nào phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và những trường hợp nào được thực hiện hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện; bổ sung quy định giao Chính phủ hệ thống và công bố các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề quy định tại Phụ lục 4. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều kiện kinh doanh là các yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho hoạt động bình thường mà không bị pháp luật cấm; còn các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được hiểu là hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh, do đó cần quy định trong Luật nhằm bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng như tại Điều 7 của dự thảo Luật.
Luật doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương, 213 điều đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 85,51% đại biểu tán thành. Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã làm rõ thêm về một số vấn đề qua thảo luận vẫn còn ý kiến. Về áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành (Điều 3), có ý kiến đề nghị ưu tiên áp dụng Luật doanh nghiệp so với luật chuyên ngành, trừ những trường hợp ngoại lệ và chỉ đối với Luật chứng khoán, Luật tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí; bỏ quy định tại Điều này vì việc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề này Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết ngoài Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật dầu khí, một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng có đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động khác có liên quan, như: hàng không dân dụng, xuất bản, báo chí, giáo dục, luật sư, công chứng… chưa kể các luật cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Việc liệt kê hết các Luật chuyên ngành được áp dụng quy định đặc thù sẽ không đầy đủ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự án Luật đã trình; đồng thời, trong quá trình dự thảo, thẩm tra và ban hành luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu, xem xét, chỉnh lý các dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Hoàng Linh