Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ - Hulusi trao đổi văn kiện ký kết tại Istabbul ngày 22-7.
Thế giới thở phào khi thỏa thuận khơi thông nguồn xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga và Ukraine được ký kết tại T.P Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 22-7 vừa qua. Thế nhưng, nhìn vào cách thoả thuận được ký kết và chứng kiến những hành động thực tế của các bên ngay sau đó, thật khó để các loại lương thực thiết yếu đến được những nước đang nóng lòng chờ đợi để khắc phục những khó khăn về giá cả, thậm chí là nạn đói.
Nói là Moscow và Kiev ký kết thoả thuận để tiếp tục vận chuyển ngũ cốc, phân bón từ Biển Đen sang các thị trường khác, nhưng phải thấy thoả thuận ký ngày 22-7, tại cung điện Dolmabahce ở T.P Istanbul được đại diện của Nga và Ukraine ký riêng qua trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc (LHQ). Nói cách khác, tại sự kiện này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Sergei Shoigu và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine - Oleksandr Kubrakov không gặp nhau, không ký kết với nhau trực tiếp mà ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ. Như vậy, đây là bằng chứng cho thấy không có khe cửa hẹp nào để làn gió ngoại giao lách qua cho dù Nga và Ukraine về bản chất đều rất muốn khơi thông dòng chảy ngũ cốc tới các thị trường trên thế giới trong khi chiến sự tại miền Đông Ukraine chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt.
Theo thoả thuận, một nhóm các quan chức LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine sẽ chịu trách nhiệm giám sát quá trình chất hàng lên tàu tại cảng của Ukraine trước khi khởi hành qua những tuyến đường được định sẵn trên Biển Đen. Tàu hàng sau đó đi tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự giám sát chặt chẽ của một trung tâm điều phối chung ở Istanbul bao gồm các đại diện từ LHQ, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, trung tâm này cũng kiểm tra những tàu tới Ukraine nhận ngũ cốc nhằm bảo đảm chúng không chở theo vũ khí, trang bị hoặc binh sĩ. Mặt khác, ngũ cốc và phân bón của Nga cũng sẽ được tiếp cận thị trường toàn cầu mà không bị cản trở. Ngoài ra, Moscow và Kiev cũng đồng ý không tấn công bất cứ tàu hàng hoặc cảng nào tham gia vào thỏa thuận. Thỏa thuận có hiệu lực trong 120 ngày và có thể tự động gia hạn.
Tuy Tổng thư ký LHQ - Antonio Guterres phát biểu sau khi chứng kiến lễ ký kết rằng “Đây là thỏa thuận cho thế giới” và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan hy vọng văn kiện trên sẽ mở đường cho hòa bình cuối cùng ở Ukraine, thật khó để thoả thuận có thể sớm được thực hiện nghiêm túc. Quả vậy, thảo thuận còn chưa ráo mực thì một ngày sau Bộ Quốc phòng Nga xác nhận Nga tấn công cảng Odessa hôm 23-7: “Đợt tập kích bằng tên lửa tầm xa chính xác cao phóng từ biển tiêu diệt một tàu quân sự của Ukraine và một kho chứa tên lửa diệt hạm Harpoon do Mỹ chuyển giao cho nước này ở cảng Odessa. Danh sách các mục tiêu bị vô hiệu hóa cũng có cơ sở sản xuất của đơn vị chuyên sửa chữa và hiện đại hóa hạm đội thuộc hải quân Ukraine”.
Odessa không chỉ là cảng biển duy nhất Ukraine có quyền kiểm soát hiện nay mà nó còn là nơi các tàu có thể chở ngũ cốc đi tới các thị trường trên thế giới. Như vậy, một khi Odessa còn bị tấn công thì thật khó để đưa ngũ cốc lên tàu và việc vận chuyển còn khó khăn hơn khi các bãi mìn nước giăng đầy lối vào cảng biển quan trọng này.
Phản ứng sau khi thoả thuận được ký kết, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi cùng nhiều quốc gia đã liên tiếng hoan ngênh. Thế nhưng, đó là phản ứng từ những nơi đang rất cần lương thực. Nga và Ukraine là hai trong số những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Cùng với những tác động tiêu cực dai dẳng do đại dịch Covid-19, cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung ngũ cốc, đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao chóng mặt và khiến hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất rơi vào cảnh đói ăn...
Trong bối cảnh đó, liệu Nga có nên đứng ra cứu giúp phương Tây và các nước khác về khí đốt và lương thực khi chính các nước này đã bỏ phiếu loại Nga khỏi các tổ chức quốc tế hay hùa theo các lệnh trừng phạt kinh tế Nga? Câu trả lời sẽ thấy nếu có các chuyến tàu chở ngũ cốc từ Odessa.
Thanh Huyền