Ngọc Hiển đang hình thành đội tàu có công suất lớn vươn khơi.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ngọc Hiển chỉ còn 6,61%.

Từ rất sớm, Ngọc Hiển đề ra nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, vạch đường đi nước bước để tạo điều kiện tối đa giúp người dân thoát nghèo. Ông Ngô Minh Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Nhưng không phải cứ hỗ trợ là chắc chắn giúp được người dân thoát nghèo. Làm không khéo lại khiến dân nghèo hơn”. Để công tác giảm nghèo thật sự hiệu quả, bền vững, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo. Phải tìm cho ra và phân định được nguyên nhân từng hộ nghèo là gì; do thiếu đất, thiếu tư liệu sản xuất, do già cả, ốm đau bệnh tật... hay do lười biếng?
Đến năm 2020, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới.


Toàn huyện Ngọc Hiển có 20 trường đạt chuẩn quốc gia.

Sau khi rà soát, ngoài “phần” của các xã, huyện phân công và giao trách nhiệm cho 46 đơn vị nhận giúp đỡ các hộ nghèo. Nhiệm vụ này được huyện đưa vào tiêu chí bình xét thi đua cuối năm ở mỗi đơn vị.

Phòng LĐTBXH huyện được phân công giúp đỡ 3 hộ nghèo. Ông Nguyễn Minh Dương - Trưởng phòng cho biết: Phòng xây dựng phương án thoát nghèo, trình phê duyệt rồi nhận kinh phí thực hiện. Hằng tháng, cán bộ của Phòng thay nhau đến nhà dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Rồi kèm cặp, vận động, hướng dẫn người dân cách làm ăn. Nay cả 3 hộ đều thoát nghèo và đang dần khá hơn.

Các xã cũng vận dụng cách làm tương tự. Sự vào cuộc tích cực với nhiều cách làm hay, hiệu quả của toàn hệ thống chính trị đã mang lại những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo.

Xã đảo Tân Ân là một ví dụ điển hình về những đổi thay tích cực ở địa phương từng là một trong trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Theo bà Lâm Trúc Giang - Phó Chủ tịch UBND xã thì điều quan trọng nhất là tạo cho người dân ý thức tự vươn lên, không để họ cứ mãi trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ Nhà nước. Cho nên trong các buổi họp dân hay sinh hoạt đoàn thể, việc tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực thoát nghèo luôn được lồng ghép để nâng dần nhận thức của bà con; tiếp đó cử cán bộ kèm cặp, hỗ trợ, tạo điều kiện.. Cứ thế, công tác giảm nghèo của xã đi vào thực chất và con số 53 hộ thoát nghèo trong năm qua (hiện chỉ còn 5,59%) là cái kết “có hậu” cho quyết tâm của cả hệ thống chính trị xã Tân Ân.

Ông Hồ Thanh Dân - Trưởng ấp Ô Rô, xã Tân An phấn khởi cho hay: Cách đây 3 năm, toàn ấp có hơn 330 hộ dân thì gần một nửa thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay ấp chỉ còn 29 hộ nghèo và 29 hộ cận nghèo. Nhiều ngôi nhà mới kiên cố, khang trang được xây dựng; người người, nhà nhà chí thú làm ăn.

Trưởng ấp Dân lấy ví dụ: Do thiếu đất canh tác lại chẳng có phương tiện ra khơi đánh bắt nên dù cần cù lao động nhưng cuộc sống thiếu trước hụt sau cứ vây lấy gia đình chú Văn Công Quẽm. Thấy chú chí thú làm ăn, cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho gia đình chú vay 18 triệu đồng để sắm ghe lưới đánh bắt cá khoai. Từ ngày làm lưới, trung bình mỗi tháng gia đình chú thu về hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí lời hơn 10 triệu. Ngoài ra, chú còn làm thuê cho các chủ ghe đáy hàng khơi để kiếm thêm thu nhập. Năm nay, gia đình chú xây được ngôi nhà kiên cố trị giá hơn 40 triệu đồng. Chú Quẽm bộc bạch: “Làm lụng vất vả, cực khổ bao nhiêu cũng không sợ chỉ sợ làm hoài vẫn nghèo. Được cán bộ đến tận nhà tuyên truyền vận động, cho mượn vốn rồi chỉ cho cách phát triển kinh tế, bởi vậy từ vợ chồng đến con cái quyết tâm làm ăn để vươn lên, bước qua cái nghèo”.
Không chỉ ở Tân Ân, chính sự tận tâm của chính quyền các cấp, sự cố gắng tự thân đã trở thành bí quyết giúp nhiều hộ trong huyện Ngọc Hiển thoát nghèo. Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng, đánh dấu sự khởi sắc trong công tác giảm nghèo ở “mũi thuyền” của Tổ quốc. Vậy là năm nay bà con Đất Mũi sẽ đón một cái Tết no đủ, sung túc hơn. Ở đâu đó trong những vạt rừng mắm, rừng đước, chồi xuân đang nở.

Trung Đỉnh