Các thí sinh sẽ phải trải qua 6 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lý đối với hệ THPT. Những nơi không đủ điều kiện thi môn Ngoại ngữ sẽ thi môn thay thế là môn Vật lý. Học sinh hệ Giáo dục thường xuyên sẽ thi Toán,Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.
Các môn Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý sẽ thi theo hình thức tự luận.
Cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn bao gồm phần chung và phần riêng (phần tự chọn). Phần chung là phần bắt buộc phải làm đối với mọi thí sinh. Đối với phần tự chọn, thí sinh chỉ được chọn làm một trong hai phần. Nếu làm cả hai phần tự chọn thì thí sinh không được chấm điểm bài làm của cả hai phần này.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Nội dung thi của các môn sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học; đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính sư phạm; phân loại được trình độ của người học; phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi. Đề thi không quá khó hoặc đánh đố thí sinh nhưng sẽ đòi hỏi thí sinh không chỉ “học thuộc lòng” mà cần có sự thông hiểu sâu sắc nội dung kiến thức và biết sáng tạo vận dụng kiến thức.
Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, các thí sinh dự thi cần phải nắm rõ những quy định của Bộ về những vật dụng được mang và không được mang vào phòng thi. Cụ thể, thí sinh được phép mang vào phòng thi bút viết, bút chì đen, tẩy chì, thước kẻ, com pa, eke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử.
Bên cạnh đó, các máy tính cầm tay được phép đem vào phòng thi là các máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản (như tính năng ghi chép, ghi số điện thoại …) và không có thẻ nhớ cắm thêm vào. Át lát Địa lí Việt Nam (trong giờ thi môn Địa lý) cũng phải do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành và không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì. Học sinh không được mang vật dụng gì khác đã quy định ở trên.
Theo Quy chế, trong khi làm bài thi, thí sinh chỉ được viết bằng một thứ mực (không dùng mực đỏ), nếu viết hỏng phần nào thì dùng thước gạch chéo phần đó, không được tẩy, xóa. Riêng với bài thi trắc nghiệm, thí sinh tô bằng bút chì đen vào các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Khi nhận đề thi phải kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với giám thị phòng thi.
Ngoài ra, thí sinh cần lưu ý, Bộ GD&ĐT sẽ đình chỉ thi nếu vi phạm một trong các lỗi sau: Mang vào phòng thi tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi dù chưa sử dụng; Sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi; Nhận bài giải sẵn của người khác dù chưa sử dụng.
Thêm nữa, việc chuyển giấy nháp cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp của thí sinh khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau)... cũng bị đình chỉ thi. Thí sinh bị kỉ luật đình chỉ thi trong khi thi môn nào sẽ bị điểm không (0) môn đó.
Thí sinh cũng sẽ bị cảnh cáo trước hội đồng coi thi nếu chép bài của thí sinh khác hoặc cho thí sinh khác chép bài của mình bằng bất cứ hình thức nào.
Các địa phương đã tích cực trong công tác chuẩn bị, hiện các điều kiện tổ chức thi về cơ bản đã được đáp ứng; việc hướng dẫn cho thí sinh đăng ký dự thi được đảm bảo theo quy định của Quy chế thi; các phương án dự phòng cũng đã được triển khai. Đặc biệt, công tác phối hợp liên ngành đã được các địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Cao Thúy