Người đời nói “làm người tốt không dễ” quả thật không sai. Bởi muốn làm người tốt, không những đòi hỏi phải có đạo đức, tâm sáng, còn phải đối mặt với thị phi dư luận. Nếu không phớt lờ dư luận (tiêu cực), người làm thiện nguyện có thể bị “mắc bẫy” miệng đời. Lúc đó, chính họ cũng biến thành người xấu. Như câu chuyện của người cô ruột tôi. Cô là cán bộ hưu trí. Về hưu, cô nghĩ đến việc thiện nguyện nên nhà dù không giàu có, nhưng nhờ có quan hệ rộng thời còn làm cán bộ địa phương, nên khi cô kêu gọi quyên góp từ thiện thì nhận được sử ủng hộ từ nhiều phía, thậm chí là ở nước ngoài.
Tuần trước, cô tổ chức chuyến từ thiện ở khu vực Tây Nguyên vài ngày. Khá vất vả vì phải đi bộ vào vùng sâu vài cây số, nơi đồng bào dân tộc thiểu số cư ngụ để phát quà cũng như tuyên truyền về vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình. Sau chuyến đi, cô có đưa hình ảnh lên trang Facebook cá nhân. Thông qua đó cô muốn cho mọi người thông điệp, “đừng tuyệt vọng, vì lúc nào khó khăn, bạn cũng có người khác đùm bọc”, đại loại thế. Mặt khác, đây là nơi để cô tiếp nhận thông tin cũng như giúp đỡ. Thế mà cô không được yên thân vì những dòng bình luận. Rất nhiều người ủng hộ, chia sẻ, động viên, nhưng cũng không ít kẻ xấu tính cho rằng: Khoe mẽ, sính danh, màu mè, phô trương… Cụ thể là: “Đã làm từ thiện thì phải xuất phát từ cái tâm. Làm thì giấu đi, khoe lên để làm gì? Chẳng phải cho mọi người biết mình có tấm lòng nhân hậu sao?”. Có người còn cay nghiệt đến mức bảo rằng: “Chắc trước đây toàn làm điều ác nên giờ ra sức từ thiện để cứu chuộc lỗi lầm”...
Không riêng gì cô của tôi mà rất nhiều người, hội đoàn, nhóm chuyên đi làm từ thiện phải chịu áp lực như thế. Nhất là những hình ảnh từ thiện ấy được đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu như các nghệ sĩ, họ đã quá quen thuộc với thị phi sau những chuyến đi từ thiện họ sẽ không màng đến, miễn sao góp chút tấm lòng với người nghèo là vui rồi, chuyện còn lại không đáng để bận tâm. Nhưng, với những người dân bình thường thì khác, họ không chịu được áp lực, dẫn đến căng thẳng hoặc tức giận đáp trả. Thế là bị “mắc bẫy” dư luận, thêm một cái “tội” nữa là: ăn nói ngang tàng, kém đạo đức. Cũng may là cô tôi vui buồn, gian khó, hân hoan, cái gì cũng đã nếm trải nên cô không thèm sân si làm gì cho thêm phiền muộn. Cô bảo: “Mình thích thì mình làm, miễn sao phù hợp với thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật, làm trái với đạo đức là được. Thì thôi cái gì khó khăn quá cho qua để lòng thanh thản”.
Mà nghĩ cũng ngộ. Dường như những cư dân mạng có tính săm soi rảnh rỗi chẳng có việc gì làm để tự nuôi sống mình. Họ chỉ chờ người khác đăng hình ảnh từ thiện lên là tăm tia ngay. Đi từ thiện ăn mặc sang trọng thì bảo không gần gũi với người nghèo, mà mặc tềnh toàng thì bảo giàu mà sao bần hàn quá. Cung kính trước người già neo đơn thì cho rằng làm màu, nhưng thoải mái, vô tư quá thì nói thiếu lễ phép. À, chuyện trang điểm cũng vậy: “Đậm” quá thì nói là đi đóng phim, còn mặt mộc thì cho rằng xấu không thể tả... Chao ôi, cái gì thiên hạ cũng nói được, bất chấp điều đó không ăn nhập vấn đề. Hễ bị nguời ta ghét thì cái gì tốt cũng trở nên xấu xa. Sống sao cho vừa lòng người đây?
Chúng ta đang sống trong thời công nghệ 4.0, hãy thôi ngồi đó phán xét người khác mà chăm lao động để giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tất nhiên việc tham gia mạng xã hội là điều cần thiết trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển. Tuy nhiên, hãy nghĩ mạng xã hội là kênh để tương tác, giải trí, công việc chứ không phải là nơi để “xả rác”, nói xấu người khác. Thay vì người đó bình luận những điều không hay, hãy đứng lên và đi nhiều nơi để san sẻ những yêu thương với các mảnh đời bất hạnh, khó khăn.
Trần Thái Học