Vấn đề là “sổ đỏ” ở đây chỉ xác nhận quyền sử dụng đất (nông nghiệp), chứ không phải là quyền sở hữu. Quyền sử dụng đất lại được giao cho các hộ gia đình căn cứ vào nhân khẩu. Hộ gia đình có hai nhân khẩu thì được giao nhiều diện tích đất hơn so với hộ gia đình chỉ có một nhân khẩu. Hộ gia đình có ba nhân khẩu thì lại được nhiều hơn nữa...
Nghĩa là mỗi thành viên trong hộ gia đình đều được giao đất và được giao với một suất đất tương đương nhau. Hệ quả là các thành viên trong hộ gia đình đều có quyền sử dụng đất tương đương nhau. Và đây chính là căn cứ pháp lý để quy định “sổ đỏ” phải ghi tên tất cả các thành viên trong hộ gia đình.
Ghi tên tất cả các thành viên trong hộ gia đình không chỉ bảo đảm quyền bình đẳng giữa các thành viên, mà còn bảo đảm quyền bình đẳng giới. Theo truyền thống, ở nước ta, đặc biệt ở nông thôn, các cô con dâu khi lấy chồng thường về sống với nhà chồng. Nhiều cô con dâu đã cống hiến gần cả cuộc đời lao động cho nhà chồng, nhưng khi hôn nhân đổ vỡ, họ thường phải ra đi với hai bàn tay trắng. Lý do nhiều khi là vì “sổ đỏ” chỉ có tên chủ hộ mà không có tên họ. Chính vì vậy, việc ghi tên họ vào “sổ đỏ” là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Lý lẽ về việc “sổ đỏ” phải ghi tên tất cả các thành viên trong hộ gia đình là như vậy, nhưng cuộc sống xem ra phức tạp hơn nhiều. Có hai vấn đề pháp lý rất lớn ở đây.
Vấn đề thứ nhất là đất giao một lần thì đất không còn để mà tiếp tục giao nữa. Trong lúc đó thì người vẫn tiếp tục được sinh ra và thành viên mới cũng có thể được bổ sung vào hộ gia đình thông qua hôn nhân.
Biến động dân số chính là điều làm cho mọi chuyện trở nên không hề đơn giản. Ví dụ, sau khi việc giao đất đã kết thúc, hộ gia đình lại có thêm những thành viên mới. Những thành viên mới này rõ ràng không được giao đất. Vậy họ có được ghi tên vào “sổ đỏ” không? Nếu họ được ghi tên vào “sổ đỏ” thì nền tảng pháp lý của việc xác lập quyền sử dụng đất đã bị phá vỡ. Nếu họ không được ghi tên, thì công bằng xã hội thực sự có vấn đề. Đứa trẻ sinh trước một ngày thì được trao quyền sử dụng đất, đứa trẻ sinh sau một ngày lại không được trao quyền này.
Về các thành viên mới, con dâu về nhà chồng (hoặc con rể về nhà vợ) có mang theo quyền sử dụng đất được giao khi họ còn ở nhà với bố mẹ mình hay không? Về mặt nguyên tắc, nếu quyền sử dụng đất gắn với các thành viên trong hộ gia đình, thì khi các thành viên chuyển sang hộ gia đình khác thì các quyền này cũng phải được chuyển theo. Trừ trường hợp chủ nhân của quyền sử dụng đất từ bỏ quyền của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp như vậy, họ sẽ được nhà chồng (hoặc nhà vợ) đón nhận như thế nào?
Vấn đề thứ hai là sau khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 1993 đã coi quyền sử dụng đất là một quyền tài sản. Nghĩa là quyền sử dụng đất có thể thế chấp, chuyển đổi, chuyển nhượng, để thừa kế...
Kể từ đó việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã diễn ra khá sôi động. Chủ hộ có thể mua được quyền sử dụng đất tại rất nhiều miếng đất mới. Quyền tài sản đối với những miếng đất này hoàn toàn có thể là quyền của chủ hộ hoặc của vợ/chồng của chủ hộ chứ không phải là của tất cả các thành viên trong hộ gia đình. Căn cứ pháp lý để ghi tên tất cả các thành viên trong hộ gia đình vào “sổ đỏ” trong trường hợp này là hoàn toàn không có.
Tóm lại, một quy định chung về việc ghi tên các thành viên trong hộ gia đình vào “sổ đỏ” có thể không phản ánh hết thực tiễn của cuộc sống. Sự hướng dẫn chi tiết hơn cho những trường hợp cụ thể là rất cần thiết ở đây.
TS Nguyễn Sĩ Dũng