Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho và phát triển nhà ở xã hội là hai nhiệm vụ khác nhau nhưng có sự liên quan mật thiết với nhau. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho là nhằm khắc phục sự lệch pha về cung-cầu, làm cho thị trường ấm lên để phát triển kinh tế. Còn phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ để thực hiện Chiến lược quốc gia về nhà ở với mục tiêu mọi người dân được cải thiện về nhà ở, có chỗ ở, đặc biệt là với những người nghèo, thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở.

Chính vì vậy, thời gian qua, thị trường bất động sản tồn kho nhiều sản phẩm quy mô lớn, giá cao nhưng lại thiếu những sản phẩm quy mô nhỏ giá thấp phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người dân. Đây chính là sự lệch pha cần khắc phục.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết hiện nay tồn kho bất động sản không chỉ những căn hộ, căn nhà đã xây dựng xong mà còn ở nhiều dự án dở dang đã có hạ tầng, hoặc đã đền bù giải phóng mặt bằng và có một phần hạ tầng, mục tiêu làm nhà ở thương mại nhưng chưa làm. Do vậy, để tháo gỡ vấn đề này phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng là cấu trúc lại các dự án bất động sản để sản phẩm phù hợp với các đối tượng, với mọi người dân, cơ cấu lại những sản phẩm dở dang, chuyển dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký chuyển từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội.

Với sự hỗ trợ của nhà nước về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, cùng các chính sách không thu tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT đầu ra cho người mua, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây chính là gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại. Không chỉ dân nghèo mua nhà ở xã hội được hưởng lợi mà những người không mua nhà ở cũng được hưởng lợi từ kinh tế tăng trưởng trở lại và những người có thu nhập khá hơn có thể quay trở lại mua nhà ở thương mại hiện đang tồn kho.

Đối với những lo ngại về việc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ chủ yếu vào túi doanh nghiệp thay vì ưu tiên cho người dân vay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định nếu hiện nay dự án được vay để xây dựng nhà ở xã hội thì cũng rất tốt vì càng nhiều doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội sẽ phục vụ cho nhiều người dân có nhu cầu nhà ở. Phát triển nhà ở xã hội không có lợi nhuận cao nên không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà nên cần phải động viên, tìm mọi giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội. Nếu doanh nghiệp được vay nhiều thì cũng không thể quá 30% trong gói tín dụng. Đây là gói tín dụng cho vay trung hạn, không phải đưa ra là làm ngay, phải có nhà ở xã hội rồi thì người dân mới mua, mới cho người dân vay, hoặc có nhà thương mại dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhiều lên thì mới có nhiều người vay, nhiều người mua. Hiện nay khối lượng nhà này còn ít nên chưa thể giải ngân được ngay.

Theo Vietnam+