Hiện nay, các thủ tục giải quyết chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thường bị kéo dài, do phải qua 3 cấp giải quyết và trách nhiệm cấp xã quá nặng so với phạm vi chức năng quản lý, nhất là yêu cầu xác nhận về thời gian nhập ngũ và tham gia kháng chiến, địa bàn hoạt động, tình trạng vô sinh và tình trạng sức khỏe của người đề nghị.
Trong khi việc này phải do cơ quan chức năng giải quyết hoặc đã được ghi nhận tại các văn bản do các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cấp hoặc xác nhận. Để gỡ nút "vướng" trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) này, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong trình tự thủ tục nên lựa chọn đầu mối giải quyết để đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhanh, gọn cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và vẫn đảm bảo phân cấp giải quyết cho cấp xã phù hợp với phạm vi chức năng quản lý và thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.
Trình tự thực hiện thủ tục này cần quy định rõ qua 4 bước của 1 quy trình giải quyết một cửa tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), bao gồm: nộp hồ sơ (bước 1); giải quyết của Sở LĐTBXH (bước 2); ra Quyết định trợ cấp ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (bước 3) và trả kết quả (bước 4).
Theo đó, để nộp hồ sơ, người đề nghị chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp tại bộ phận một cửa của Sở LĐTBXH tỉnh nơi thường trú. Cán bộ tại bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ của các thành phần giấy tờ có trong hồ sơ, tiếp nhận, vào sổ và viết phiếu biên nhận hồ sơ, đồng thời ghi ngày hẹn giải quyết cho người đề nghị (xây dựng mẫu phiếu biên nhận).
Tiếp đó, bước giải quyết của Sở LĐTBXH bao gồm có văn bản đề nghị UBND cấp xã xác nhận về nguyên quán, trú quán, tình trạng bản thân người đề nghị, trong đó có yêu cầu xác nhận về trường hợp người hoạt động kháng chiến không có vợ (chồng) hoặc có vợ (chồng) nhưng không có con hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về không sinh thêm con, nay đã hết tuổi lao động (nữ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi); và tình trạng dị dạng, di tật cũng như khả năng tự lực trong sinh hoạt của người đề nghị (xây dựng mẫu văn bản đề nghị)
Sau khi có kết quả giải quyết của UBND cấp xã, Sở LĐTBXH giới thiệu người đề nghị đến Bệnh viện tuyến tỉnh để giám định về tình trạng sức khỏe và khả năng lao động.
Sau khi có văn bản xác nhận của UBND cấp xã và biên bản giám định Hội đồng y khoa cấp tỉnh về tình trạng vô sinh, tình trạng sức khỏe do nhiễm chất độc hóa học và tỉ lệ suy giảm khả năng lao động của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm độc hóa học, Sở LĐTBXH tỉnh ra Quyết định trợ cấp ưu đãi hằng tháng và Phiếu trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Cuối cùng, Bộ phận một cửa của Sở LĐTBXH vào sổ và trả Quyết định cũng như Phiếu trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo thời gian ghi trong Phiếu hẹn.
Nên quy định rõ thành phần hồ sơ
Tiếp tục đơn giản hóa TTHC nêu trên, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng đề nghị thành phần hồ sơ của thủ tục cần phải quy định rõ ràng hơn. Cụ thể, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cần có bản khai cá nhân (theo mẫu). Trường hợp thân nhân của người hoạt động kháng chiến làm thay thì phải có văn bản ủy quyền của người hoạt động kháng chiến.
Bên cạnh đó, hồ sơ cần có một trong các bản chụp các giấy tờ: lý lịch cán bộ hoặc lý lịch quân nhân; quyết định phục viên xuất ngũ; giấy xác nhận hoạt động ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân chương, huy chương chiến sĩ giải phóng hoặc các giấy tờ chứng nhận khác (kèm theo bản chính để đối chiếu khi đến nộp trực tiếp. Chỉ phải nộp bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ nêu trên đối với trường hợp nộp qua bưu điện; hoặc nộp bản scan từ bản gốc một trong các giấy tờ nêu trên đối với trường hợp gửi qua Internet.
Đối với thương binh, bệnh binh, người mất sức lao động đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, ngoài bản khai cá nhân (theo mẫu) chỉ cần gửi kèm theo bản chụp từ bản chính quyết định trợ cấp thương binh, bệnh binh, mất sức lao động (kèm theo bản chính khi đến nộp trực tiếp).
Tổ công tác cho rằng, các quy định thực hiện TTHC chỉ nên yêu cầu đối tượng nộp những giấy tờ liên quan đến nghĩa vụ cá nhân phải cung cấp hoặc có thể cung cấp, để phục vụ trực tiếp cho cơ quan hữu quan giải quyết thủ tục, đồng thời bảo đảm rõ ràng, dễ thực hiện cho người thực hiện thủ tục.
Thay cho các văn bản quy định hiện nay về thủ tục này chưa nêu rõ số bộ hồ sơ phải nộp, Tổ công tác đề nghị quy định rõ số lượng hồ sơ là 2 bộ, 1 bộ để giải quyết tại Sở LĐTBXH và 1 bộ để gửi UBND cấp xã đề nghị xác nhận.

Theo VGP

Chí Đức