Tờ trình dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khẳng định sau 6 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Luật đã tạo điều kiện để mọi người lao động đều có thể tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội với việc bổ sung thêm hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động). Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ). Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định còn thấp nên nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội. Một số quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành không còn phù hợp với thực tế như đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện... Đây là những bất cập đòi hỏi cần có sự sửa đổi góp phần thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân và trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên việc sửa đổi Luật cần quan tâm đến 2 mục tiêu quan trọng là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và đảm bảo an toàn, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý. Ủy ban về các vấn đề xã hội đã có quan điểm cụ thể về các vấn đề: Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm an sinh xã hội thông qua việc điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí và cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội; việc bổ sung thẩm quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn...

Về vấn đề sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Các ý kiến đánh giá thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, đặc biệt là việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được tăng cường. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không đúng thời gian theo quy định nên ảnh hưởng đến tiến độ chung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như Chương trình làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Các đại biểu đề nghị trên cơ sở dự án luật đã được thẩm tra, có chất lượng tốt, phạm vi điểu chỉnh không nhiều, nhất là luật sửa đổi, bổ sung một số điều, có thể xem xét cho thông qua theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Có hình thức biểu dương, khen thưởng cho cơ quan chủ trì soạn thảo. Đối với cơ quan nào tới thời điểm trình mà chưa hoàn thành hoặc ko đảm bảo chất lượng, yêu cầu kiểm điểm, xử lý, đại biểu nhấn mạnh. Về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị coi trọng các dự án luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước đồng bộ, thể chế về đầu tư công và hành chính công, quyền nghĩa vụ của công dân; những dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo pháp luật.

PV