Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Quân đội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian vừa qua, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân đội đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đột phá  vào lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả quan trọng.  Tuy nhiên, để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, quân đội vẫn phải tiếp tục đột phá  mạnh mẽ hơn trong  những lĩnh vực có thế mạnh.

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới, tạo ra tiền đề vật chất cho sự phát triển của xã hội, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Những năm qua, quán triệt chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều  giải pháp đẩy mạnh đột phá phát triển khoa học, công nghệ quân sự, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lãnh đạo, chỉ huy điều hành ở các cấp, trong sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, giáo dục, đào tạo, thiết kế, chế tạo, khai thác làm chủ, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, đặc biệt đối với vũ khí, trang bị công nghệ cao. Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 1652-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về lãnh đạo công tác khoa học quân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Kế hoạch số 4396/KH-BQP về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 3488-NQ/QUTW ngày 29/01/2025  “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong quân đội”. Bộ Quốc phòng ban hành  Kế hoạch số 536/KH-BQP ngày 31/01/2025  về phát triển khoa học, công nghệ quân sự, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong Quân đội, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thực hiện các Nghị quyết và kế hoạch nói trên,  Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nghiên cứu, chế tạo,  sản xuất và triển khai ứng dụng một số hệ thống tự động hóa chỉ huy trang bị cho Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Tác chiến điện tử.... Bên cạnh đó, đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ bản đồ số, công nghệ mô phỏng và các thuật toán, tính toán thông minh để xây dựng hệ thống tác nghiệp, tính toán, thể hiện phương án tác chiến biển đảo trên nền hải đồ số và sa bàn số 3D; hệ thống hỗ trợ lập kế hoạch đảm bảo Hậu cần - Kỹ thuật cho tác chiến chiến dịch - chiến lược, hệ thống mô phỏng và đánh giá quyết tâm chiến đấu tiến công chiến dịch; qua đó, góp phần nâng cao hiệu qủa công tác đào tạo, huấn huyện và chỉ huy tham mưu tác chiến.

Quân đội đã chủ động thiết kế, chế tạo mới và cải tiến, nâng cấp hiện đại hóa nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật... góp phần bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật; từng bước hiện đại hóa vũ khí, khí tài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập và chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tiêu biểu như đã nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa sâu tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Pechora (Liên Xô) thành tổ hợp S-125-VT trên nền tảng công nghệ số cho hệ thống xử lý tín hiệu và điều khiển. Chế tạo thành công Ra đa cảnh giới biển tầm gần, sử dụng băng tần X, có các chỉ tiêu, tính năng chiến - kỹ thuật tương đương với các đài ra đa hiện đại trên thế giới. Chế tạo thành công pháo tự hành bánh xích 122ly, xe chiến đấu bộ binh XCB-01 có vỏ giáp chống đạn bộ binh, có khả năng cơ động cao ở các loại địa hình khác nhau....

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đột phá về khoa học, công nghệ quân sự, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng cũng còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực khoa học quân sự, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành còn mỏng, thiếu; chất lượng một số đề tài, công trình nghiên cứu chưa cao; cơ sở dữ liệu, tổ chức lực lượng chuyên trách về chuyển đổi số còn mỏng; hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ…

Hiện nay và thời gian tới, thế giới tiếp tục có nhiều biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm hình thành rõ nét hơn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra phức tạp, quyết liệt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng, làm xuất hiện nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại, các hình thái chiến tranh, tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới. Vì vậy, phát triển khoa học, công nghệ quân sự, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng đã và đang là vấn đề cấp thiết, nhằm bảo đảm cho lực lượng vũ trang tác chiến theo hướng nhanh hơn, cơ động hơn, chính xác hơn. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển khoa học, công nghệ quân sự, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phát triểnkhoa học, công nghệ quân sự, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Quân đội.

Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho công tác phát triển khoa học, công nghệ quân sự và chuyển đổi số trong Quân đội phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện. Vì vậy, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trong Quân đội xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chủ trương của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ quan trọng này.  

Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho các cơ quan, đơn vị và lực lượng tiến thẳng lên hiện đại của Quân đội.

Tiếp tục triển khai kế hoạch và lộ trình tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong Bộ Quốc phòng; phát triển nhân lực khoa học và công nghệ, chuyên gia khoa học và công nghệ; đầu tư nghiên cứu ứng dụng các công nghệ lõi, công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật đặc biệt là vũ khí, trang bị có ý nghĩa chiến lược. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng đang triển khai. Đẩy nhanh quá trình ứng dụng các kết quả và sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng thực tế. Xây dựng mới một số đề án sản phẩm quốc gia.   Xây dựng mới một số chương trình, dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ Quốc phòng.    Bên cạnh đó, cần phát triển các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các trường thử nghiệm vũ khí đạt trình độ thế giới phục vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa, chuyển giao công nghệ vũ khí, khí tài trang bị kỹ thuật quân sự. Chú trọng đầu tư các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu các công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng số, bảo đảm hạ tầng số phải được đầu tư trước một bước, tạo nền tảng cho chuyển đổi số.   Nghiên cứu, sản xuất, tự chủ hoàn toàn các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, các trang bị công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong Quân đội, làm cơ sở để bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng một cách bền vững.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, định hướng phát triển khoa học, công nghệ trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ đến năm 2030 của Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong kỷ nguyên mới.

Đây là định hướng chiến lược của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ quân sự theo lộ trình xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại đặt ra. Bên cạnh đó, để thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, các cơ quan, đơn vị cần tập trung xây dựng hạ tầng số đồng bộ, vững chắc, theo hướng hiện đại, trọng tâm là tổ chức phát triển hệ thống mạng máy tính quân sự đến các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Đồng thời, phải phát triển các trung tâm dữ liệu tập trung, nghiên cứu các công nghệ mới để xây dựng hạ tầng mềm, các nền tảng số dùng chung theo hướng cung cấp dịch vụ tập trung đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị và xu thế phát triển. Tổ chức các chương trình nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ tiên tiến trong hoạt động quân sự, ưu tiên các công nghệ: mô phỏng, di động, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, mã nguồn mở, chuỗi khối, tính toán lượng tử. Nghiên cứu xây dựng nền tảng lưu trữ dữ liệu lớn và các công cụ phân tích, xử lý dữ liệu ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tự động hóa chỉ huy, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Xây dựng các môi trường thử nghiệm cho các ứng dụng mới, công nghệ mới, các phương án huấn luyện, tác chiến có ứng dụng công nghệ thông tin, làm cơ sở để đánh giá, hoàn thiện trước khi đề xuất triển khai tại các cơ quan, đơn vị.

Bốn là, kiện toàn các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ quân sự theo hướng chuyên sâu, gắn với chức năng nhiệm vụ, gắn nghiên cứu với sản xuất.

Đây vừa là định hướng, vừa là giải pháp chủ yếu để thực hiện việc giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ theo định hướng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, năng lực sở trường của các tổ chức nghiên cứu khoa học. Theo đó, các học viện, nhà trường hướng về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu nền; các viện nghiên cứu hướng vào nghiên cứu ứng dụng, gắn với các cơ sở sản xuất quốc phòng. Chủ động phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp ngoài Quân đội, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, tiếp cận thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các đơn vị trong Quân đội phải nâng cao khả năng hợp tác, tránh tình trạng độc quyền, vì lợi ích riêng của đơn vị; có cơ chế để các đơn vị ngoài Quân đội nắm bắt thông tin, nhu cầu để hợp tác, tuy nhiên, phải bảo đảm yếu tố bảo mật, giao nhiệm vụ có tính phân đoạn, độc lập, hướng vào thế mạnh của các đơn vị bên ngoài. Tập trung ưu tiên đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ, chuyển đổi số phát triển, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử và các công nghệ của vũ khí mang tính chiến lược khác, triển khai sản xuất ở Việt Nam. Đề xuất các chính sách mua, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với đặc thù Quân đội. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn về công nghệ mới bảo đảm an toàn thông tin và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng.

Năm là, tổ chức thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, sẵn sàng thực hiện  các nhiệm vụ đột xuất  được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm nội bộ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số. Tập trung triển khai các nội dung đột phá đã xác định, như: Hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu Bộ Quốc phòng; cơ sở dữ liệu điện tử về quân nhân, vũ khí trang bị. Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin trong Bộ Quốc phòng. Đẩy mạnh triển khai đường truyền số liệu quân sự, phát triển mạng máy tính quân sự kết nối đường truyền số liệu quân sự đến các đầu mối cơ quan, đơn vị cấp 3... Xây dựng kế hoạch và lộ trình đưa toàn bộ hoạt động của các cơ quan, đơn vị lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ, bí mật quân sự, bí mật nhà nước nhằm từng bước ứng dụng công nghệ số trong chỉ huy, điều hành tác chiến của quân đội. Đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trong nội bộ của Bộ Quốc phòng. Phát triển các nền tảng số theo hướng dùng chung, đảm bảo an toàn và tăng cường ứng dụng công nghệ số, hình thành “quân nhân số”. Xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, rộng khắp trong toàn quân. Phát triển văn hóa số, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng của quân nhân, giảm thiếu tác động tiêu cực của công nghệ số trong hoạt động quân sự, quốc phòng. Tăng cường hiện đại hóa, số hóa, thông minh hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự đảm bảo phù hợp vái các phương thức tác chiến trong tình hình mới. Đầu tư, phát triển các hệ thống tự động hóa chỉ huy tiên tiến trong đó ưu tiên các đơn vị được xác định tiến thẳng lên hiện đại…

Sáu là, thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực quân sự đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, công nghệ, chú trọng mở mới một số mã ngành và gửi đào tạo các trường ngoài Quân đội, trường nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu sử dụng; thực hiện hiệu quả công tác xét duyệt chức danh sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ; thường xuyên quan tâm công tác khen thưởng, tạo động lực, khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, nhà khoa học sáng tạo, cống hiến. Ban hành cơ chế chính sách vượt trội để thu hút trọng dụng nhân tài vào công tác trong lĩnh vực quân sự, bảo vệ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước có trình độ cao trên các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cán bộ đầu ngành trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến hiện đại hóa, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ chiến lược. Đổi mới chương trình, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng của ngành khoa học quân sự, công nghệ thông tin toàn quân theo hướng chuyên sâu, đảm bảo học viên khi ra trường được trang bị đầy đủ các kỹ năng số, ngoại ngữ để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thành lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ chiến lược phục vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật chiến lược của Bộ Quốc phòng; thành lập cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số, kiện toàn tổ chức ngành khoa học quân sự, lực lượng công nghệ thông tin, tác chiến không gian mạng trọng toàn quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bảy là, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong quân đội.

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Quân đội có vị trí, vai trò rất quan trọng, nhưng đó cũng là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. Vì vậy cần  chủ động đấu tranh,  tăng cường “hàng rào kỹ thuật”  giúp nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên mạng xã hội; phát hiện, sàng lọc các trang web, mạng xã hội thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch để ngăn chặn từ sớm, từ xa.  Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực sắc bén, tinh nhuệ, hệ thống vũ khí trang bị hiện đại; trong đó, nhân tố con người có mối quan hệ thống nhất với công nghệ và vũ khí trang bị kỹ thuật, trên cơ sở đó vận hành một cách linh hoạt, sáng tạo; góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

Thượng tá NGÔ DOÃN TRUNG -Thượng tá HÀ TRỌNG BÌNH

                              (Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị)