Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong phối hợp với các tổ chức đối tác, các nước xuất, nhập khẩu gạo, không chỉ ở giá trị chuỗi cung ứng gạo mà còn tham gia phát triển công nghệ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực lúa gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.

Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo; định hướng cho công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước theo hướng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường.

Đồng thời, gắn phát triển thị trường xuất khẩu gạo với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, trong đó phát triển sản xuất, xuất khẩu lúa gạo chiếm một vị trí quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam và góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả khu vực và thế giới.

Diện tích trồng lúa hiện chiếm khoảng 60% tổng diện tích trồng cây hằng năm và sản xuất lúa gạo là nguồn sinh kế quan trọng cho khoảng 9 triệu hộ nông dân tại nông thôn Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng trung bình hằng năm từ 5-6 triệu tấn sang 150 quốc gia, vùng lãnh thổ, thu về khoảng 2,5 tỷ USD.

Hoàng Linh