Việc từ chức của ông Gamal là một trong những đòi hỏi của nhiều người biểu tình trên quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo trong một vài ngày qua.
Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình Ai Cập vào cuối giờ chiều ngày 12/7 cũng đã diễu hành tại Cairo nhằm yêu cầu Nguyên soái Hussein Tantaoui, Chủ tịch Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) hiện đang nắm quyền điều hành đất nước, từ chức.
Ông Tantaoui cũng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak trong vòng 20 năm.
CSFA hiện nắm quyền điều hành đất nước kể từ khi chế độ của cựu Tổng thống Mubarak sụp đổ ngày 11/2 do sức ép từ các cuộc biểu tình đường phố chống chính phủ.
Cùng ngày, tòa án hình sự Ai Cập đã kết án cựu Thủ tướng Ai Cập Ahmed Nazif cùng hai cựu bộ trưởng vì các tội danh gây thất thoát công quỹ.
Cựu Thủ tướng Nazif, cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib al-Adli và cựu Bộ trưởng Tài chính Youssef Boutrous-Ghali bị buộc tội dành một hợp đồng cho công ty Utsch của Đức thông qua đơn đặt hàng trực tiếp cao hơn giá thị trường, chứ không đấu giá công khai theo luật định. Ba người này còn bị phạt tổng cộng khoảng 33,5 triệu USD.
Ông Boutrous-Ghali bị tuyên án vắng mặt 10 năm tù. Tháng trước, vị cựu bộ trưởng tài chính này đã bị tuyên án vắng mặt 30 năm tù vì các tội tham nhũng.
Trong khi cựu Bộ trưởng Nội vụ al-Adli phải nhận bản án 5 năm tù giam. Trước đó, ông này đã bị kết án 12 năm tù vì những tội danh tham ô. Còn cựu Thủ tướng Nazif bị kết án một năm tù treo.
Ngoài ra, Giám đốc điều hành công ty Utsch Helmut Jungbluth cũng bị kết án vắng mặt một năm tù giam. Tuy nhiên, công ty này đã phủ nhận các cáo buộc tham nhũng và tuyên bố họ không có đại diện tại Ai Cập.
Ông al-Adli, cựu Tổng thống Hosni Mubarak cùng hai con trai Alaa và Gamal, sẽ phải ra tòa vì dính líu tới việc giết hại những người biểu tình trong năm nay. Hữu Tuấn (TH)