Hai diễn giả được mời tham dự và chủ trì buổi tọa đàm là nhà sử học Alain Ruscio, nguyên phóng viên thường trú báo Nhân đạo (L’Humanité) tại Việt Nam (1978-1980) và cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison (1989-1993).
Nếu như mỗi người dân Việt Nam đều hiểu và tự hào về chiến công oanh liệt của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp vì chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, thì rất nhiều người Pháp cho đến tận 60 năm sau vẫn không thể hiểu nổi vì sao quân đội Pháp, quân đội của một cường quốc trên thế giới, lại phải thua trận trước quân đội của một nước Việt Nam bé nhỏ.
Chính câu hỏi đó đã khiến cho buổi tọa đàm thu hút được đông đảo công chúng Pháp đến dự và thảo luận sôi nổi. Họ là các cựu chiến binh Pháp, các thành viên Đảng cộng sản Pháp, những người Pháp yêu hòa bình và công lý, và những người bạn Pháp yêu mến Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, nhà sử học Alain Ruscio, đã làm sáng tỏ bối cảnh lịch sử trước chiến dịch Điện Biên Phủ, vai trò nổi bật của nhà chiến lược quân sự lỗi lạc của Việt Nam-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ý nghĩa của chiến thắng đã dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới cho phong trào đấu tranh giành độc lập và phong trào phi thực dân hóa trên toàn thế giới trong những năm 60 của thế kỷ trước.
Nhà sử học Ruscio cũng đã phân tích tương quan lực lượng giữa quân đội hai nước Việt Nam và Pháp, theo đó quân đội Pháp có ưu thế hơn hẳn về quân số, vũ khí, trang bị phương tiện chiến tranh. Ông cũng cho rằng thất bại ở Điện Biên Phủ là hệ quả tất yếu của những toan tính chiến lược sai lầm của thực dân Pháp đã không thấy hết sức mạnh của một dân tộc quyết tâm đứng lên bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Về phía mình, nhà ngoại giao Claude Blanchemaison đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong thời gian làm Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam vào thời điểm Việt Nam còn rất nhiều khó khăn và bắt đầu mở cửa. Ông cũng hồi tưởng về các buổi trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặc biệt là khi Đại tướng đến Đại sứ quán Pháp dự kỷ niệm 200 năm cuộc cách mạng Pháp (14/7/1789-14/7/1989).
Theo ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là một người hết sức gần gũi và giản dị. Tuy đánh thắng quân đội Pháp, nhưng Đại tướng lại rất yêu văn học Pháp, yêu những giá trị mà cuộc Cách mạng Pháp 1789 đề cao, và đặc biệt là ca khúc cách mạng, bài quốc ca Pháp - La Marseillaise, vì những ca từ kêu gọi người dân đứng lên cầm vũ khí bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi tọa đàm, diễn giả và cử tọa cũng nhắc đến các nhà lãnh đạo mà tên tuổi đã đi vào lịch sử như Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình…, những người đã góp phần to lớn vào việc ký Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Các đại biểu cũng đề cập đến sự phát triển của Việt Nam những năm sau chiến tranh và mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Pháp và Việt Nam ngày nay.
Buổi tọa đàm được tổ chức theo sáng kiến của ông Fréderick Genevée, Chủ tịch Hội lịch sử sống và Chủ tịch Hội đồng trị sự của Bảo tàng Lịch sử sống, là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Buổi tọa đàm cũng cho thấy mặc dù đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng hai nước Việt Nam và Pháp đã biết gác lại quá khứ, cùng nhau xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp trong nhiều thập kỷ qua mà đỉnh cao là việc ký kết Hiệp ước đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9/2013.