Cứ đến tháng 7 hằng năm là bác sĩ Lương Đình Tá ở Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang lại nhớ về một kỷ niệm mà ông cho là trăn trở nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Vào dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7-2019, đã vào tuổi 80 ông chủ động gặp tôi để bộc bạch nỗi trăn trở này.
Năm 1972, Sư đoàn 325 của ông tham gia chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị. Khi đó, ông là Đội trưởng đội phẫu thuật tiền phương. Đội phẫu đặt tại thôn Vĩnh Phước, Triệu Lương, Triệu Phong, gần cầu Lai Phước. Đội có nhiệm vụ cấp cứu ban đầu cho thương binh từ Thành cổ chuyển ra bằng xuống, rồi tiếp tục theo tuyến chuyển về phía sau. Đội phẫu do một Đại đội bảo vệ và phục vụ mà Trung úy Vũ Trung Thướng (Anh hùng LLVTND) là Đại đội trưởng. Mặt trận lúc này nói chung, khu vực của ông cũng vậy rất ác liệt, cứ 15 phút thường có một trận B52 rải thảm.
Đội phẫu của ông tuân theo một tín hiệu quy định: ban ngày (từ 3 giờ sáng đến 11 giờ đêm), cứ 3 phát súng là một xuồng thương binh, 6 phát là 2 xuồng, 9 phát là 3 xuồng, mỗi xuồng 30 thương binh. Đêm đến theo quy ước 3 phát 1 xe, 6 phát 2 xe, 9 phát 3 xe. Mỗi đêm ít là 80 thương binh, nhiều là 180 đến 200 thương binh. Đặc biệt đêm 20-8-1972 trong lúc ông Tá đi kiểm tra thương binh thì ở một căn hầm chữ A có hai thương binh nhẹ đòi nhoi ra khỏi hầm, ông liền đẩy vào và bảo: “Nhoi ra là chết đấy”. Hai đồng chí nói: “Xin anh cho em thở một chút”. Ông Tá vừa trở về hầm của mình thì một loạt bom B52 nổ. Sau đó đến kiểm tra thì căn hầm đã bị lật mái, hai đồng chí ấy hy sinh, phía cửa phụ có một đồng chí thương binh nói như cầu xin “Anh ơi cố cứu em, ở nhà mẹ em già đang cần người chăm sóc, tên em là Thành ở Lạng Giang, Bắc Giang”. Nghe vậy, nhưng công việc đã không cho phép ông hỏi thêm thông tin mà cứ hành động theo bản lĩnh người bác sĩ. Trích hố lào, thắt động mạch quay, cầm được máu.
Ông Tá cho biết: Đồng chí Thành không thể chết được, còn trên đường vận chuyển không biết may rủi ra sao? Sau này có dịp ông mới hồi tưởng câu nói của đồng chí Thành, nhưng mọi việc đã qua rồi. Cũng từ đó ông luôn nung nấu trong mình làm thế nào để tìm được người thương binh đồng hương mà mình đã dồn cạn khả năng lúc ấy. Liệu rủi ro có đến với đồng chí ấy nữa không? Đã 47 năm, nỗi trăn trở vẫn thường trực trong ông mà không có cách giải tỏa. Qua câu chuyện này biết đâu báo chí sẽ bắc nhịp cầu để ông về với nỗi mong chờ đó thông qua bạn đọc hay lại chính đồng chí Thành cũng nên?
Nguyễn Tiến Lộc