Theo dự thảo Thông tư về điều chỉnh giá viện phí do liên Bộ Y tế - Tài chính - LĐTBXH – BHXH xây dựng, sẽ có 400 dịch vụ, kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá thay vì 350 dịch vụ như đề xuất trước đây của Bộ Y tế. Cơ quan BHYT- BHXH Việt Nam cho biết, giá viện phí, dịch vụ lần này thấp hơn 50% so với các lần dự thảo trước vì được xây dựng trên cơ sở thực tiễn từ y tế tuyến xã, huyện, tỉnh chứ không dựa vào đề xuất giá của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành ở trung ương. Việc điều chỉnh giá viện phí lần này cũng sẽ giúp người bệnh không phải bỏ tiền túi ra trả thêm ngoài phần cứng cùng chi trả 5-10% theo quy định. Dư luận lại có những ý kiến khác nhau vì với cơ sở vật chất, nhất là bệnh viện các tuyến dưới còn nghèo nàn, số lượng và chất lượng các bệnh viện mới xây dựng tăng không đáng kể, đội ngũ cán bộ y tế như cũ, chất lượng khám chữa bệnh sẽ không có gì thay đổi. Chuyện tăng viện phí, theo Bộ Y tế là lấy thu đủ để bù chi. Tuy nhiên, thực tế tại các bệnh viện ở các địa phương trong toàn quốc cho thấy, phí khám bệnh cũng như giá các dịch vụ đã tăng từ lâu, việc tăng giá các dịch vụ chủ yếu ảnh hưởng đến quỹ BHYT và những người cận nghèo chưa có thẻ BHYT. Để không bị vỡ quỹ BHYT, cơ quan BHXH đang đề xuất tăng mức thu BHYT lên 5% thay vì 4,5% như hiện nay. Dư luận còn cho rằng, Bộ Y tế đã “quên” khi xây dựng mức viện phí vì trong thực tế, nhiều khoản đã được Nhà nước hỗ trợ như xây dựng bệnh viện, tiền mua trang thiết bị và khấu hao nhưng vẫn được “vô tư” tính vào tiền viện phí để người bệnh phải chi trả; ngoài ra, tại tất cả các bệnh viện hiện nay, ngoài hoạt động chính là khám chữa bệnh cho những người có thẻ BHYT còn có một lượng rất lớn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh theo hình thức dịch vụ, mọi chi phí khám chữa bệnh được tính như giá của các bệnh viện tư nhân phải bỏ 100% vốn nhưng tại các bệnh viện công lập, diện tích đất đai rộng lớn, các loại máy móc, phương tiện, con người lại được đầu tư từ tiền Nhà nước mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng, ngoài ra còn một lượng tiền khổng lồ thu được từ tiền cho thuê mặt bằng các cửa hàng thuốc trong khuôn viên bệnh viện, tiền cho thuê mặt bằng bán hàng ăn và tạp phẩm, cho các tư nhân trông giữ xe; chuyện lạm dụng các loại xét nghiệm để thu tiền người bệnh... Hiện nay, phần lớn các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến trung ương và các thành phố lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện K… ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố, thị xã lớn đang triền miên trong tình trạng quá tải, cảnh hai, ba bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh là phổ biến, thậm chí người bệnh còn phải nằm dưới gầm giường, rải chiếu hoặc nằm giường gấp kín ngoài hành lang với các bộ quần áo, chăn màn thuê của bệnh viện đã cũ rích và không sạch sẽ cho lắm nhưng khi thanh toán viện phí, người bệnh vẫn phải thanh toán bằng giá tiền của mỗi người một giường bệnh và tiền “mượn” quần áo bệnh nhân như mới. Nay dự thảo Thông tư mới xem xét giảm 70%-40% cho người bệnh thứ hai, thứ ba nằm chung giường là chưa thỏa đáng. Số tiền khổng lồ thu được của các bệnh viện như “của trời cho” này hầu như “bị” người ta “quên” đi, không biết nó đi đâu khi xây dựng mức viện phí mới… Dư luận cho rằng, việc tăng giá các dịch vụ lần này nhằm hợp pháp hóa việc các bệnh viện tự xé rào nâng giá khám, giá xét nghiệm vô tội vạ đã nhiều năm nay; đã đến lúc cần minh bạch hơn trong quản lý ngân sách tại các bệnh viện, không để tình trạng người bệnh và Nhà nước phải chịu mọi chi phí, viện phí cao ngất ngưởng tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập giống như tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Người dân, nhất là người có thu nhập thấp, người dân ở các địa phương xa xôi, nông dân, CCB đang còn rất khó khăn trong cuộc sống. Người bệnh đau bệnh, còn người nhà thì đau đầu, lo toan nhiều lần. Việc tăng viện phí lần này cần được tính toán kỹ càng để đảm bảo sự công bằng cho người bệnh.
Vấn đề tăng viện phí là cần thiết nhưng cần có lộ trình thích hợp và mức độ hợp lý, phù hợp với thu nhập của người lao động; bên cạnh đó, tăng viện phí nhất thiết phải tăng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao y đức và tránh tuyệt đối chuyện vòi vĩnh phong bì lót tay khi vào khám, chữa bệnh. Có được như vậy, dân sẽ đồng lòng với chuyện tăng viện phí.
Bài và ảnh: QUỐC HUY