Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1979 đã tạc dáng hình, cương vực, lãnh thổ vào đất này bằng máu. Đồn Biên phòng A Mú Sung đóng tại bản Lũng Pô có con suối cùng tên, đã bị phá hủy sau hai giờ đồng hồ cầm cự bảo vệ biên ải Tổ quốc sáng sớm 17-2-1979. Toàn bộ 25 chiến sỹ biên phòng ngã xuống, đủ thời gian cho dân lành kịp lui về nơi trú ẩn bí mật. Lũng Pô trở thành “bản trắng” hoang tàn. Con suối Lũng Pô loang đỏ máu hòa vào sông Hồng ngay tại ngã ba thiêng chạm vào đất Việt.

Vào những ngày khốc liệt ấy, phóng viên chiến trường Dương Soái của Đài phát thanh Hoàng Liên có mặt ở Bát Xát. Thấm đẫm cái đau thương và sức sống Việt giữa đạn pháo quân thù, đã bật ứa lên bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”, nói lên tình cảm tiền tuyến/hậu phương, gửi tâm hồn người lính biên phòng về cho cô gái vùng hạ lưu xuôi phía cửa biển. Tác giả chẳng hề biết rằng nó trở thành một trong bản tình ca nổi tiếng nhất sau khi được nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc. Không chỉ vậy, bài hát như còn thêm một lần xác lập chủ quyền đất Việt, để hôm nay, ai đó dẫu chưa từng vượt trùng xa lên với thượng ngàn Lũng Pô, vẫn thấy xúc động như đã từng đi qua cuộc chiến bảo vệ tuyến biên cương phía bắc Tổ quốc.

Biên giới đã bình yên mấy chục năm. Khu kinh tế mở A Mú Sung đã được Thủ tướng phê chuẩn. Con đường từ thành phố Lào Cai chạy về huyện Bát Xát dọc theo sông Hồng rồi ngược lên xã A Mú Sung đến với bản Lũng Pô dài hơn 60km, giờ thành điểm đến của du khách và những phượt thủ trẻ. Ngô, khoai, sắn, chuối, dứa và những triền nương xanh ngát nối dài cung đường. Nhà tầng khang trang mới mọc lên, những mái nhà xưa của bản người Giáy, người Hà Nhì, người Mông thật đẹp lúc khói lam chiều tựa ven đồi như tranh vẽ. Dưới sông tấp nập thuyền hàng, trên bộ những công-ten-nơ đầy ắp nông sản chở qua biên giới, tất cả dựng lên một diện mạo giàu sức sống chốn thượng ngàn.

Tự hào được sống nơi mảnh đất địa đầu và thêm một lần xác lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cũng như để “tiếp năng lượng” cho giới trẻ miền biên ải, Tỉnh đoàn Lào Cai đã đưa ra ý tưởng xây dựng Cột cờ Tổ quốc mang tên Lũng Pô tại mỏm đất thượng du cạnh ngã ba sông biên giới. Được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Lào Cai, sự đồng thuận của tuổi trẻ toàn tỉnh, ngày 26-3-2016, Công trình thanh niên “Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” được khởi công. Đến ngày 16-12-2017, đúng dịp kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Lào Cai, công trình được khánh thành.

Công trình Cột cờ Lũng Pô được xây dựng trên diện tích 2.100 m2. Cột cờ có chiều cao 31,43m tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m, lá cờ có diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em tỉnh Lào Cai. Tổng kinh phí xây dựng công trình trên 17 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và đóng góp của đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh.

Cột cờ Lũng Pô được xây dựng đã trở thành biểu tượng của ý chí, tinh thần xung kích tình nguyện và sự quyết tâm của tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng quê hương, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Với công trình này, Lũng Pô mong muốn sẽ có nhiều khách du lịch đến thăm để họ cảm nhận được vẻ đẹp, tấm lòng mến khách và khí phách anh hùng của đất và người nơi đây.

Từ Cột cờ Lũng Pô nhìn xuống sẽ thấy dòng suối Lũng Pô chảy ra gặp con sông Hồng ở cột mốc 92. Đến đây, khó mô tả hết cảm xúc khi ngắm nhành đào xuân biên giới Lũng Pô ven dòng Hồng ngầu đỏ, thấy từng thân cây, ngọn cỏ và mỗi mét vuông đất có máu và mồ hôi của bao người vì cương thổ thiêng liêng.

Nguyễn Tùng Duy