Muốn góp phần củng cố niềm tin xã hội, không để xói mòn niềm tin xã hội, thì trước hết, báo chí phải củng cố được niềm tin của độc giả, của nhân dân với chính mình.
Ngày 21/6 năm nay, đội ngũ những người làm báo kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh công nghệ và mạng xã hội tiếp tục có những bước phát triển thần tốc. Mới nhất, gã khổng lồ Facebook cho biết sẽ phát hành đồng tiền điện tử Libra, dự kiến giao dịch chính thức từ đầu năm 2020. Theo các bình luận, với hơn 2,4 tỷ người dùng Facebook mỗi tháng, Libra có khả năng thay đổi cục diện thị trường tài chính toàn cầu.
Có thể nói, trong lịch sử gần một thế kỷ của mình, báo chí cách mạng Việt Nam chưa bao giờ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức như vậy. Chính vì thế, dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng năm nay, rất nhiều ý kiến đã đặt ra câu hỏi về sự tồn tại và phát triển của báo chí trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội, về những giá trị cốt lõi của báo chí và trong số rất nhiều vấn đề cụ thể, nổi lên câu chuyện về chống tin giả.
Ngày nay, báo chí vừa phải cạnh tranh với mạng xã hội để thu hút độc giả về phía mình, mặt khác, phải đấu tranh với vấn nạn tin giả. Chống tin giả, báo chí đóng vai trò là người bảo vệ sự thật, người định hướng dư luận; báo chí vừa bảo vệ độc giả, vừa bảo vệ chính mình.
Trên thực tế, tin giả (fake news) luôn có sức “quyến rũ” với độc giả và cả với những người đưa tin. Ở Việt Nam, thời gian vừa qua đã xảy ra không ít vụ tin giả, từ những tin có vẻ “vô thưởng vô phạt” như tin một nghệ sĩ Việt được tôn vinh tại đại lộ danh vọng ở Mỹ, cho tới vụ cô gái ngáo đá nằm bệnh viện được cho là con gái của một vị quan chức.
Không dừng lại ở đó, nhiều thông tin sai sự thật đã gây tác hại không nhỏ cho người dân và doanh nghiệp như vụ Con Cưng, vụ nước mắm bị “vu oan” nhiễm asen… Nhưng phần lớn người đọc lại thích và cũng dễ bị dẫn dắt bởi tin giả, rồi không ít cơ quan báo chí, vì nhiều lý do khác nhau, đã không tránh được việc “tiếp tay” cho các tin giả như vậy.
Hơn thế nữa, trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin truyền thông khiến ai cũng có thể trở thành nguồn tin, tin giả càng có cơ hội để lan truyền. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy, có tới khoảng 42,8% người được hỏi thừa nhận từng chia sẻ tin giả trên mạng xã hội, trong đó 17,3% nói họ biết là tin giả nhưng vẫn chia sẻ.
Theo Jean Tirole, nhà kinh tế học giành giải Nobel, thì khi “dữ liệu trên mạng” là tài nguyên, thông tin là quyền lực, thì chúng ta có cơ sở để lo lắng rằng người nắm quyền “sở hữu thông tin” sẽ “tạo ra nhiều nguy cơ mới, đồng thời khuếch đại những nguy cơ khác”.
Riêng ở Việt Nam, sau hơn 20 năm Internet có mặt, với hơn 60 triệu người sử dụng, chúng ta đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số. Nhưng bên cạnh những cơ hội lớn là những thách thức không hề nhỏ.
Tại cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới.
Theo Thủ tướng, người luôn hết sức quan tâm tới báo chí và tới thông tin trên báo chí, báo chí nước ta phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, không để dòng phụ thành chính trên mặt báo.
Khẳng định “mất niềm tin là mất tất cả”, Thủ tướng cho rằng, báo chí và truyền thông nói chung phải tạo đồng thuận và tạo niềm tin mãnh liệt hơn của xã hội vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cho nên dù viết gì, dù khen hay chê, dù đưa tin về cái tốt hay xấu thì đều phải vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của đất nước, lợi ích của đại cục, không được để xói mòn niềm tin xã hội. Báo chí phải góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng thịnh vượng, hùng cường của dân tộc.
Trên thực tế, tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng ngày càng gia tăng, có lúc, có nơi lấn át thông tin báo chí. Cuộc đấu tranh chống lại thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật là sứ mạng mới của báo chí và ở một khía cạnh nào đó, vấn nạn tin giả cũng là cơ hội cho các cơ quan báo chí chính thống tập trung cải tiến chất lượng và gia tăng kết nối với độc giả một cách hiệu quả. Bên cạnh những thách thức, báo chí cũng có những thế mạnh to lớn để đấu tranh với tin giả, để cạnh tranh và hợp tác cùng phát triển với mạng xã hội.
Nói cho cùng, phản ánh sự thật cũng chính là phản ánh dòng chảy chính của xã hội và làm được như vậy, báo chí cũng đồng thời tìm lại được những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng và tính tiên phong, chính xác, chính thống, nhanh nhạy; để giữ vững niềm tin của độc giả với chính mình và qua đó, củng cố niềm tin, gia cường nền tảng xã hội./.
Hà Chính