Chị Phạm Thị Nho, vợ Thiếu úy Nhuận nhìn chúng tôi, tươi cười: “Chồng nó (tức chị Hải) đi ra nhà giàn DK1 từ năm ngoái. Một nách hai con nhỏ, nó cũng vất vả lắm. Mỗi lần đưa đứa lớn đi học, nó lại gửi con nhỏ cho tôi trông nom”.
Chị Hải góp chuyện:
- Các anh đi làm nhiệm vụ ở nhà giàn, ở nhà chị em chúng tôi đùm bọc, nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau nên dần dần yêu quý nhau như người một nhà vậy. Tôi đang nuôi con nhỏ, nếu không có sự giúp đỡ của các chị thì vất vả lắm.
Câu chuyện đang dở dang thì chị Nguyễn Thị Nga bước vào. Chị Nga cũng có chồng là Nguyễn Sĩ Tùng đang công tác ở nhà giàn DK1. Câu chuyện giữa chúng tôi trở nên rôm rả hơn. Họ kể cho nhau nghe về con nhỏ, về chuyện cuộc sống thường nhật, về các anh đang ngày đêm làm nhiệm vụ ngoài nhà giàn. Chị Nga nhỏ nhẹ: “Còn 3 tháng 10 ngày nữa anh Tùng mới được vào đất liền. Thằng bé cứ suốt ngày hỏi bố”. Tôi nhìn thấy khóe mắt chị đỏ hoe xúc động.
Chị Nho kể: Trong thời gian anh Nhuận công tác ngoài nhà giàn, mọi vui buồn trong cuộc sống chị đều chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ với mình. Cùng sinh sống trong một con hẻm nơi góc phố, các chị vừa là hàng xóm, là bạn thân, vừa xem nhau như chị em. Trước kia chị Nga làm kế toán cùng công ty với chị Nho, nhưng do chồng công tác xa nhà, chị xin nghỉ việc để tiện bề chăm sóc hai con nhỏ cho anh yên tâm làm nhiệm vụ. Những ngày này, có những việc cần đến bàn tay người đàn ông, anh Nhuận (chồng chị Nho) tranh thủ những ngày không trực, sẵn lòng giúp đỡ hàng xóm, cũng là vợ của bạn mình. Từ những chuyện nhỏ như lắp lại ổ điện trong nhà, sửa cái quạt, cái nồi cơm điện bị hỏng… đến những công việc như quét sơn, lợp lại mái ngói ngôi nhà ba gian mà ba mẹ con chị Nga đang sinh sống…
Có những câu chuyện giản dị nhưng thật cảm động ở góc phố có nhiều “Chị em dâu” này: Chị Nguyễn Thu Thủy có chồng là Trung úy Lê Thành Đạt. Khi chị Thủy mang thai cũng là thời điểm anh Đạt ra nhà giàn DK1 công tác. Đến năm 2010, anh được vào đất liền. Vừa đặt chân đến đầu con hẻm nhỏ, anh đã gọi to tên vợ và con. Chị Thủy chạy ào ra, trên tay bế một đứa bé. Anh Đạt ôm chầm lấy vợ và đứa trẻ như thể vừa vớ được cục vàng. Anh hôn hít, nựng yêu đứa bé bố bố con con rất cảm động. Nhìn cảnh đó, chị Thủy chỉ biết đứng lặng rồi bỗng dưng òa khóc nức nở. Anh Đạt thấy lạ, hỏi thì chị liền ôm chặt lấy anh nói: - Con của chúng mình đang gửi nhà trẻ. Đây là con của chị hàng xóm. Vì anh và con chưa biết mặt nhau nên em bế con của chị bạn ra chỉ để trêu anh một chút thôi. Nhưng nhìn thấy cảnh anh khát khao tình cảm cha con thế này, em thương anh quá nên không kìm được nước mắt.
Tại con hẻm nhỏ 134, đường 30-4 của phố biển Vũng Tàu, có ngót chục ngôi nhà là tổ ấm của lính nhà giàn DK1. Bây giờ thì trong các nếp nhà ấy có những người chồng sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở nhà giàn DK1 đã trở về đất liền, bữa cơm gia đình vì thế đầm ấm hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn có những người vợ hiền chăm sóc con nhỏ, vẫn đang ngày đêm gửi nỗi nhớ theo làn sóng biển đến với người thương của mình giữa trùng khơi. Chỗ dựa trong cuộc sống hằng ngày cuả những người vợ lính chính là tình cảm chị em trong khu phố biển, được vun đắp từ tình cảm bạn bè, tình đồng đội, anh em…
Bữa cơm thân mật rộn tiếng cười của những “chị em dâu”. Chúng tôi cảm thấy niềm hạnh phúc ấy lan tỏa trong mình tự lúc nào…
Phương Nga