LTS. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước đã có nhiều CCB bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học, song, do bị thất lạc giấy tờ nên họ không được hưởng chế độ đối với Người có công mà Đảng và Nhà nước đã ban hành. Để giải quyết quyền lợi cho các CCB bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh bị thất lạc giấy tờ, ngày 22-10-2013, Bộ Quốc phòng và Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư Liên bộ số 28 (còn gọi là Thông tư 28) về “Hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ” do Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH ký. Tuy nhiên, Thông tư này còn nhiều điều bất cập đã gây khó khăn không chỉ cho các CCB khi làm hồ sơ xin giám định thương tật mà còn gây khó khăn cho các cơ quan thực thi chính sách đối với Người có công.Báo CCB Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Thái Ninh về vấn đề này.
…Khi tôi làm hồ sơ đề nghị giám định vết thương, nhiều cán bộ làm công tác chính sách đối với các CCB từ cấp quận đến cấp thành phố, thậm chí cả Cục Chính sách đều thừa nhận những bất cập của bản Thông tư 28.
Với tư cách là một người trong cuộc và đại diện cho rất nhiều CCB, bài viết này tôi muốn chỉ ra những bất cập đó và mong rằng các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, chỉnh sửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các CCB và cơ quan thực thi chính sách đối với CCB nói chung và Người có công nói riêng. Cụ thể:
Trong khoản 1, Điều 7 chương 3 Thông tư viết: “Người bị thương lập bản khai cá nhân (Mẫu TB) kèm theo giấy tờ chứng minh tham gia cách mạng quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này gửi UBND dân cấp xã nơi cư trú trước khi nhập ngũ và tùy từng trường hợp kèm theo một trong các giấy tờ sau”...
Xét cả về lịch sử và hiện tại, tôi thấy bản Thông tư này có những bất cập cơ bản như sau:
Thứ nhất, Thông tư 28 là Thông tư Liên bộ, Thông tư này mang tính chỉ đạo từ cấp vĩ mô - tức từ cấp T.Ư để cơ quan thực thi chính sách các địa phương và các cơ quan chức năng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ thi hành. Đã là Thông tư mang tính chỉ đạo phải cần cụ thể thì cơ quan thực thi mới thực hiện tốt được. Tuy nhiên, những bất cập của Thông tư 28 rất khó cho các cơ quan thực thi chính sách, đặc biệt là gây khó khăn cho các CCB.
Thứ hai, về lịch sử, Thông tư đã không phản ánh được bối cảnh lịch sử mà các CCB nhập ngũ. Theo yêu cầu của chiến trường, nhiều CCB nhập ngũ từ các nông trường, công trường, nhà máy, các trường chuyên nghiệp... Đến nay, rất nhiều cơ quan, nhà trường trước khi họ nhập ngũ không còn tồn tại, đã bị giải thể, Thậm chí một số cơ quan cấp Bộ cũng không tồn tại (ví dụ: Bộ Điện - Than; Bộ Cơ khí và Luyện kim…). Địa phương nơi nông trường, công trường, trường học nơi họ sơ tán không quản lý họ, quê hương họ lại không phải là nơi họ nhập ngũ. Vì vậy Thông tư yêu cầu các CCB phải về lấy xác nhận của địa phương trước khi họ nhập ngũ liệu có phù hợp?
Thứ ba, Thông tư gây khó khăn cho đơn vị thực thi chính sách và đặc biệt là gây khó khăn cho các CCB. Nhiều đồng chí nhập ngũ ở địa phương, ở nông trường, các trường chuyên nghiệp ở miền Bắc nhưng sau giải phóng lại lựa chọn nơi họ hoạt động trong chiến tranh để sinh sống cùng gia đình, nay lại yêu cầu họ về địa phương trước khi nhập ngũ xác nhận thì rất khó, mặc dù họ đã có đủ giấy tờ theo quy định như: Lý lích quân nhân, lý lịch đảng, lý lịch cán bộ, sổ hộ khẩu và xác nhận của địa phương cư trú, giấy xác nhận vết thương, phim chụp vết thương, giấy xác nhận vết thương từ bệnh viện theo quy định. Vậy sự hướng dẫn của Thông tư này liệu có hợp lý?
Thứ tư, Thông tư có mấy từ: “Tùy từng trường hợp để vận dụng”, điều đó cũng có nghĩa rằng: Vận dụng cũng được và không vận dụng cũng không sai. Đây có thể coi là “lỗ hổng” của một văn bản chỉ đạo từ cấp T.Ư. “Lỗ hổng” này có thể tạo nên sự tiêu cực trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội mà cụ thể là các CCB đã một thời dám hy sinh vì Tổ quốc.
Thứ năm, Thông tư này không quy định thời gian xét duyệt hồ sơ và kết luận hồ sơ để thực hiện công tác giám định. Chỉ cần mỗi cấp 2-3 năm thôi (như hồ sơ chúng tôi đã làm) thì thủ tục để hoàn thành việc xét duyệt hồ sơ cũng trên 10 năm (Điều 7, Chương 3). Liệu thủ tục như vậy có cần thiết?
Chúng ta đều biết các CCB làm hồ sơ để đề nghị được giám định thương tật đều trên dưới 70 tuổi. Những năm tháng chiến tranh đã lấy đi sức khỏe của họ. Đa số họ đã và đang mang trong mình nhiều bệnh tật. Quỹ thời gian sống của họ không còn nhiều. Tôi biết hồ sơ đề nghị giám định thương tật của nhiều CCB vẫn đang lưu trong cơ quan thực thi chính sách của quận, của thành phố nhưng họ không còn nữa. Rất nhiều CCB làm hồ sơ đến nay đã 4 đến 5 năm vẫn chưa có phản hồi. Đó là sự bất cập của Thông tư và trách nhiệm của các cơ quan thực thi chính sách đối với các CCB nói chung và Người có công nói riêng.
Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến CCB và Người có công. Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực thi chính sách đối với CCB và Người có công, mở ra hy vọng đối với các CCB và Người có công. Tuy nhiên, những bất cập của Thông tư 28 vô hình chung đã tước đi niềm tin và hy vọng của họ. Mong sao các cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi những bất cập của bản Thông tư này để mở ra hy vọng cho các CCB và Người có công. Bác Hồ từng răn dạy đối với cán bộ thực thi chính sách rằng: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Công bằng đối với lịch sử và công bằng đối với lớp người đã một thời xả thân vì nước. Đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Thái Ninh