Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bác là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất. Trái tim của Bác, tình yêu thương của Bác đối với đồng chí, đồng bào, nhân loại và cả cỏ cây, vô cùng bao la.
Không ai sinh ra trên đời là hoàn mỹ, không khiếm khuyết, sai lầm nhưng khi nghĩ về Bác, nhớ về Bác thì mỗi người đều thấy lòng mình trong sáng hơn, phấn đấu, vượt lên được chính mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ suy nghĩ này tại Hội nghị tổng kết “50 năm bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”, sáng 12/9.
Hội tụ, lan tỏa tư tưởng, tâm hồn, cốt cách Hồ Chí Minh
50 năm qua, sau ngày Bác Hồ đi xa, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu Di tích) luôn thầm lặng, miệt mài, nỗ lực gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị từng di tích, từng tài liệu, hiện vật của Người để lại.
Khu Di tích là nơi Bác đã sống, làm việc, dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng (1954-1969).
Một di tích đặc biệt quan trọng của Khu Di tích là nhà sàn Bác Hồ - biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đồng thời thể hiện đạo đức, phong cách, lối sống hết sức giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà sàn của Bác với những vật dụng sinh hoạt rất đơn giản: Bàn, ghế, giường đơn, quạt lá cọ, máy chữ, giá sách, hàng trăm cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực, bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung, Nga, la-tinh... Quanh nhà sàn trồng nhiều loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát.
Tại nhà sàn, vào mỗi dịp sinh nhật trong các năm 1965 - 1969, Bác Hồ đều dành thời gian viết Di chúc để lại cho muôn đời sau. Ðây là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của bậc "đại trí, đại nhân, đại dũng", thể hiện tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của vị lãnh tụ suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Quần thể Khu Di tích còn có các di tích: Nhà 54 - nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958; BK1 - nơi Người thường tiếp cán bộ và ký các sắc lệnh; Nhà bếp A - nơi phục vụ bữa ăn hằng ngày của Bác và Thủ tướng Phạm Văn Ðồng; H66 - căn hầm trú ẩn được xây dựng năm 1966; H67 - nơi họp Bộ Chính trị, nơi Bác Hồ dưỡng bệnh và qua đời ngày 2/9/1969; phòng họp của Bộ Chính trị, nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định nhiều công việc hệ trọng của đất nước; căn phòng Bộ Chính trị nghỉ giải lao mỗi khi họp, nơi nhiều lần Bác Hồ trả lời phỏng vấn; Phủ Chủ tịch; vườn cây, ao cá…
Hiện có hơn 1.470 đầu hiện vật trong tổng số gần 4.000 tài liệu, hiện vật thuộc Khu Di tích đang được trưng bày, phát huy giá trị và luôn được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn như khi Bác Hồ còn sống.
Nhiều năm qua, Khu di tích đã triển khai thực hiện các hoạt động như thuyết minh, hướng dẫn, giới thiệu cho hàng chục triệu lượt khách tham quan trong nước và quốc tế; tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học; nói chuyện chuyên đề, giao lưu triển lãm. Các hoạt động không chỉ được mở rộng ở trong nước mà ra cả nước ngoài như ở Nga, Pháp, Sri Lanka, Singapore; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, website, xuất bản sách, ảnh...
50 năm qua, đã có hơn 80 triệu lượt người đến tham quan Khu Di tích, trong đó có khách nước ngoài đến từ hơn 170 quốc gia. Hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế cấp cao khi đến Việt Nam, đều tới thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Khách tham quan dù là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao, các chính khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới hay là những người nông dân, công nhân bình dị, những học sinh, sinh viên..., khi đến đây đều có một điểm chung là bày tỏ tấm lòng kính yêu và ngưỡng mộ vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Mỗi người khi đến đây đều lắng đọng, suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng, rèn luyện và làm việc tốt hơn.
Sự vĩ đại từ những điều bình dị, gần gũi nhất
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã cùng nhắc lại những câu chuyện, hình ảnh, lời nói, cử chỉ vô cùng giản dị, gần gũi nhưng cũng rất sâu sắc của Bác Hồ.
Bác là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất. Trái tim của Bác, tình yêu thương của Bác đối với đồng chí, đồng bào, nhân loại và cả cỏ cây, vô cùng bao la. Trí tuệ của Người kết tinh không chỉ từ “Đông, tây, kim, cổ”, từ sách vở, nghiên cứu, từ thực tiễn vô cùng sâu rộng. Bằng tấm lòng mênh mông, trí tuệ hết sức sâu rộng, suốt của cuộc đời và kể cả khi đã đi xa, Bác Hồ vẫn tiếp tục cống hiến tất cả cho dân tộc, nhân loại, cho đấu tranh giải phóng con người khỏi áp bức, bất công.
Những điều cao đẹp của Bác được thể hiện ở những việc làm, cử chỉ bình dị, gần gũi, chân thực nhất. Yêu Bác, nhớ về Bác, mỗi người thấy lòng trong sáng hơn.
“Không ai sinh ra trên đời này là hoàn mỹ, không khiếm khuyết, sai lầm nhưng khi nghĩ về Bác, nhớ về Bác thì mỗi người đều vượt lên được chính mình, từ những việc tưởng chừng vô cùng nhỏ nhưng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn như tập thể dục hàng ngày, thói quen đọc sách, tự học…”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tựa như lời của Bác nói về người phải có 4 đức “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” cũng giống như trời có 4 mùa “Xuân, Hạ, Thu, Đông”, đất có 4 phương “Đông, Tây, Nam, Bắc” hay “Năm điều Bác Hồ dạy”, đến nay vẫn vô cùng đúng đối với mỗi người, từ trẻ nhỏ đến người lớn, từ người dân bình thường đến mỗi cán bộ, đảng viên.
Mỗi người có thể cảm nhận được điều đó chính tại Khu Di tích. Những vật dụng hàng ngày, hình ảnh sinh hoạt đời thường của Bác như tập thể dục, thăm bà con nhân dân, chăm cây, cho cá ăn… giúp nhiều người nhìn thấy, nghe thấy, tưởng tượng thấy hình bóng Bác cũng như sự vĩ đại của Người.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng trân trọng tri ân các thế hệ cán bộ, nhân viên Khu Di tích, trong suốt 50 năm qua, bằng sự chuyên nghiệp, trí tuệ cùng cả tấm lòng với Bác và với những gì tốt đẹp nhất, đã và đang tiếp tục làm cho nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” mà ai cũng muốn được một lần đến.
Khu Di tích góp phần lan toả các giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, để Bác Hồ thực sự sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, trong lòng mỗi người dân Việt Nam, bè bạn quốc tế. “Khu Di tích và các cán bộ, nhân viên là tiếng nói của người dân Việt Nam về Bác Hồ đến với bạn bè quốc tế”.
Nhắc lại mong muốn lớn nhất của Bác Hồ khi nước nhà mới được độc lập là “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đã thành hiện thực khi 30 năm qua, Việt Nam có tốc độ phát triển liên tục cao thứ hai thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là lúc phải đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Người. Nhưng do xuất phát điểm quá thấp nên thu nhập theo đầu người của Việt Nam mới chỉ đứng khoảng 130 trên thế giới. Vì vậy, muốn thu hẹp khoảng cách với các nước, mỗi người Việt Nam, từ lãnh đạo đến cán bộ, đảng viên và từng người dân phải nỗ lực phi thường, liên tục trong một thời gian dài.
Phó Thủ tướng mong muốn Khu Di tích tiếp tục được các cơ quan Đảng, Nhà nước, nhân dân chăm lo, thực hiện sứ mệnh cao cả làm sao để Bác Hồ mãi mãi là Bác Hồ kính yêu của muôn thế hệ sau này. Mỗi người nhớ về Bác, nghĩ về Bác sẽ cùng nhau phấn đấu, rèn luyện mình tốt hơn.
“Mong rằng Khu Di tích truyền thêm ngọn lửa, trách nhiệm với đất nước, với bản thân mình đến từng người. Làm cho hình ảnh của Việt Nam qua Bác Hồ ngày càng rực sáng trong lòng du khách bốn phương. Để mỗi người Việt Nam luôn tự hào về quá khứ hào hùng, về những kết quả ngày hôm nay và tương lai của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam