Nhiều cây cầu bị hư hỏng sau trận lũ ở Lai Châu.
Gọi là “trận mưa lũ lịch sử” là không đúng. Vì so với các trận mưa lũ của các năm trước cũng xảy ra ở vùng Tây Bắc thì trận lũ này là không lớn, cả về thời gian và lượng mưa - trung bình đo được mới là 64mm. Riêng điểm Nậm Giang, Lai Châu lượng mưa lớn nhất cũng chỉ đo được 164mm. Trong khi đó trận lũ tháng 10-2017, kéo dài 2 ngày liền, lượng mưa lên tới 250 đến 300mm.

Nhưng đúng là thiệt hại thì lần này lớn thật – lũ ập về bất ngờ, giáng xuống giữ dội như sét đánh... Tính đến 16 giờ ngày 29-6, đã có 23 người chết, 10 người mất tích, 16 người bị thương; tổng thiệt hại về tài sản ước tính gần 530 tỷ đồng. Tỉnh Lai Châu bị thiệt hại nặng nhất, với 16 người chết, 9 người mất tích, 15 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 338 tỷ đồng; bản Sùng Túng bị xóa sổ hoàn toàn và đến sáng ngày 2-7 vẫn còn một bản bị cô lập vì đường vào bị vùi lấp.

Cũng mấy ngày qua, người ta - nhất là cán bộ của một số địa phương vùng lũ, nói quá nhiều đến nguyên nhân của thời tiết khí hậu khác thường... Tóm lại là đổ hết cho trời mà không thấy nguyên nhân chính là do tàn phá rừng, nhất là phá rừng nguyên sinh, biến rừng thành đồi trọc; độ dốc lại cao, nước mưa dồn thành những túi nước khổng lồ đổ xuống thành thác lũ...

Ai phá rừng: Dân đói mà phá; lâm tặc hám lời phá; lợi ích nhóm trong các dự án phá; nhất là “giặc nội xâm” phá. Nói đâu xa, ngay như tháng trước, 19 cán bộ, đảng viên chủ chốt, cùng với lực lượng Kiêm lâm của xã An Thắng, huyện Bắc Nậm, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia chặt hạ 13ha rừng tự nhiên trên địa bàn.

Năm 2015, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), đã kết luận tham nhũng là nguyên nhân chính dẫn đến Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria.

Gần hai năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định “đóng cửa rừng” nhưng thực tế cho thấy quyết định này không được chấp hành nghiêm, rừng vẫn bị tàn phá rất nghiêm trọng. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật đó, chỉ rõ nguyên nhân vì sao không cấm được phá rừng, để thay đổi ngay cách quản lý rừng.

Trước mắt, nếu Nhà nước không giữ được rừng thì giao cho các tổ chức tư nhân trồng rừng, giữ rừng và khai thác rừng với những cơ chế phù hợp.

Nếu không ngăn chặn được tình trạng phá rừng, nhất là phá rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn thì nước ta sẽ còn nhiều, nhiều “trận mưa lũ lịch sử” nữa. Chả thế mà các đời trước đã từng căn dặn đời sau rằng: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”.

Thục Anh