Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy là đã qua hai mùa hoa nhãn, bà phải xa ông - người bạn đời, bạn thơ đã cùng bà trải qua biết bao cung bậc của cuộc sống. Thơ ca chắp cánh cho tình yêu bền chặt của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân để họ nắm tay cùng nhau đi suốt dặm dài bảy thập niên vắt qua hai thế kỷ.
Bạn đời: Son sắt thủy chung
Nhà thơ Nguyễn Duy Yên sinh năm 1931 trong một gia đình truyền thống khoa bảng tại làng Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông vốn là cháu ngoại danh nhân Phan Kế Bính. Năm 1949, sau khi tốt nghiệp Trung học (Chương trình Giáo dục Pháp), Nguyễn Duy Yên gia nhập QĐND Việt Nam, là học viên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (khóa 5). Ra trường, ông giữ nhiệm vụ Trưởng đài Vô tuyến điện e102 f308. Đến năm 1957, ông chuyển ngành về Bộ Nông Lâm. Năm 1964, ông chuyển công tác sang Bộ Thủy lợi, rồi làm ở Sở Thủy lợi Hà Nội cho tới ngày về hưu.
Người bạn đời của ông, nhà thơ Đoàn Kim Vân sinh năm 1938 cùng quê với ông. Cha của bà là nhà giáo. Cụ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và hy sinh trong một trận đánh vào năm 1946. Nhà thơ Đoàn Kim Vân học hết Thành chung năm thứ nhất, tham gia kháng chiến tại quê nhà. Năm 1959, bà về công tác tại Vụ Bảo tồn - Bảo tàng (Bộ Văn hóa), rồi qua Hội Đông Y Việt Nam làm việc.
Dòng sông Luộc hiền hòa từng chứng kiến mối tình mộc mạc mà đằm thắm của chàng trai với vóc dáng thư sinh Nguyễn Duy Yên và cô gái Đoàn Kim Vân xinh xắn với mái tóc đen dài chấm gót. Triền đê hoang hoải bên dòng sông đã bao lần thấm đẫm nước mắt của những buổi tiễn đưa, của nỗi nhớ của người con gái khắc khoải mong ngóng người thương. “Sông kia ai nối nhịp cầu/ Người đi để nhớ để sầu cho ai/ Nắng chiều nhàn nhạt dần phai/ Trông theo bóng nước nhớ hoài xa xăm” (Dòng sông nỗi nhớ - Đoàn Kim Vân).
Vượt qua bao sóng gió, bươn trải trong cuộc sống, hai ông bà luôn gắn bó, cùng nếm trải những đắng cay ngọt bùi.
Không thể kể hết những khó khăn của năm tháng long đong, lận đận mưu sinh, kiếm kế sinh nhai để nuôi 6 người con ăn học. Ban ngày đi làm, tối về ông bà tranh thủ làm thêm để cải thiện cuộc sống bằng đủ nghề, từ việc in nhãn vở, in khăn mùi xoa gia công cho Công ty bách hóa, nhuộm giấy, xay trấu làm bìa cặp ba dây, làm hàng nhựa...
Tuy chỉ là những công việc làm thuê thủ công ấy, nhưng nhờ sự chịu thương chịu khó, tìm tòi, sáng tạo trong cách làm để đạt hiệu quả cao nhất, đời sống của gia đình được đủ đầy, ngoài ra ông bà còn chắt chiu, dành dụm được một chút vốn liếng.
Nghỉ hưu trước chồng, với tư duy năng động và nghị lực vượt khó, bà Vân sáng lập HTX Mỹ Hà sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Khó khăn khôn xiết kể, nhưng được sự động viên của chồng, xưởng sản xuất với hàng trăm lao động của bà đã bắt tay vào chế tác, tìm được nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nội địa. Và rồi cơ chế mở cửa như làn gió mới thúc đẩy hướng phát triển kinh doanh của HTX. Bà mạnh dạn cùng các nghệ nhân cải tiến mẫu mã, giá cả hợp lý, giữ được niềm tin và uy tín. HTX Mỹ Hà đã ký được nhiều hợp đồng với các doanh nghiệp, khách sạn, Đại sứ quán. Hàng của HTX có mặt khắp các châu lục. Hiện nay, HTX Mỹ Hà đã lớn mạnh, trở thành Công ty đồ gỗ Mỹ Hà với chuỗi cửa hàng ở một số tỉnh, thành và một nhà máy rộng 3ha ở Phú Xuyên (Hà Nội).
Từ những lúc cơ hàn cho đến khi thành đạt, tình cảm của ông bà luôn dạt dào yêu thương. Họ cảm nhận được sự đồng điệu trong tâm hồn của nhau. Niềm đam mê thơ ca khiến lứa đôi càng thêm hạnh phúc và gắn bó thêm bội phần.
Cảm mến tấm chân tình của Duy Yên và Kim Vân, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết tặng ông bà: “Hai tiếng lòng rung tình nghĩa vẹn/ Một chân trời mới cỏ hoa tươi/ Nhân sinh tự cổ mà như thế/ Hạnh phúc thênh thang vạn dặm đời”.
Bạn thơ: Lập kỳ tích trong thơ ca
Hai ông bà Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân đều yêu thích thơ ca ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đã có lúc, nỗi lo cơm áo khiến ông bà phải gác lại niềm đam mê dành cho thơ ca. Đến khi con cái trưởng thành, ông bà mới thực sự bước vào hành trình kiếm tìm những “hạt ngọc” ẩn giấu trong tâm hồn được chắt lọc, kết tinh thành những vần thơ giàu cảm xúc. Đến năm 1996, ông bà bắt đầu tập hợp, biên tập lại các bài thơ đã làm và tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm mới.
“Đêm ngày dệt những ước mơ/ Tìm con chữ đẹp làm thơ tặng đời/ Chót sinh ra kiếp con người/ Đắm say ánh mắt, nụ cười nàng thơ” (Người đi tìm chữ - Nguyễn Duy Yên.
"Cặp song ca hai thế kỷ" là lời của nhà thơ Phạm Tiến Duật khi nói về vợ chồng nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân.
Đến nay, nhiều tập thơ lấy tên chung Nguyễn Duy Yên - Đoàn Kim Vân đã được xuất bản như: Tiếng lòng, Dặm đời, Chân trời mới, Biển đời, Tuyển tập thơ, Trăng với thi nhân, Nợ bút nghiên... Bên cạnh đó, nhà thơ Duy Yên in riêng các tập thơ: Mênh mang xuân, Một thoáng hương xưa, Muôn nẻo đường thơ. Để đáp lại tiếng lòng của bạn đời, nhà thơ Kim Vân cũng có riêng cho mình các tập: Ngược dòng thời gian, Mùa hoa nhãn, Lăng kính thơ.
Điều thú vị là nhiều bài thơ của ông bà đã được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc như: Huy Thục, Huy Du, Hồng Đăng, Thuận Yến, Trần Hoàn, Dân Huyền, Hoàng Vân, Hồ Bắc… Các bản nhạc được phổ thơ qua sự thể hiện của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Lê Dung, Thanh Hoa , Vi Hoa , Đăng Dương, Việt Hoàn, Đức Long… đã đủ để in thành 10 băng đĩa nhạc CD và VCD. Thơ với nhạc vốn có mối giao duyên đặc biệt khiến người ta phải nói: Trong thơ có nhạc và trong nhạc có thơ. Thế là tập nhạc phổ thơ Duy Yên - Kim Vân ra đời với tựa đề “Xuân với tôi” được xuất bản năm 2014. Tập thơ có tới 109 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Trước “kỳ tích” đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Liên minh Kỷ lục thế giới) đã cấp bằng chứng nhận xác lập kỷ lục năm 2015 cho hai ông bà với danh hiệu “Cặp vợ chồng nhà thơ cao tuổi có thơ được phổ nhạc nhiều nhất”.
Năm 2017, hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân cho ra mắt độc giả tập “Dấu ấn một thời” với 5.000 câu thơ lục bát. Ngay năm sau, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận kỷ lục của ông bà với thành tích “Cặp vợ chồng nhà thơ cao tuổi nhất còn sáng tác và xuất bản thơ ca”.
Cầm trên tay tập thơ “Xuân vô tận” vừa mới được xuất bản, nhà thơ Đoàn Kim Vân rưng rưng xúc động: “Đây là công trình mà ông nhà tôi đang làm dang dở trước khi về với tổ tiên. Ông Yên biết tiếng Pháp, Trung, Anh và có rất nhiều bản dịch thơ của các nhà thơ nổi tiếng trên thế giới. Chúng tôi mong muốn làm một tập thơ dịch ra tiếng nước ngoài như một món quà tinh thần tặng bạn bè, người thân, đối tác làm ăn là người nước ngoài. Đau buồn trước sự ra đi của người thương yêu nhất càng khiến tôi quyết tâm hoàn thành tâm nguyện của chồng vưới sự hỗ trợ của anh chị em trong CLB Dịch thuật Hà Nội - nơi ông Yên từng sinh hoạt”.
Nhà thơ Nguyễn Duy Yên từng viết: Dịch thơ là một vấn đề khó. Dịch thơ không phải là dịch nghĩa bài thơ. Bởi vậy muốn dịch thơ trước hết phài là người biết làm thơ. Thông thạo ngôn ngữ của dân tộc mình, thông thạo các luật lệ các thể loại thơ của mỗi đất nước. Dịch thơ có hai tiêu chuẩn là: Dịch đúng và dịch hay. Nếu dịch không đúng thì có thể phản lại ý tưởng của tác giả, nếu dịch không hay thì không có gì quyến rũ được người đọc.
“Xuân vô tận” ra đời đúng vào dịp giỗ đầu của nhà thơ Nguyễn Duy Yên với bố cục gồm 3 phần: Phần 1 - Các bài thơ nước ngoài do Nguyễn Duy Yên, Đoàn Kim Vân dịch từ các tiếng Pháp, Anh, Trung; Phần 2 - Thơ Nguyễn Duy Yên dịch ra các tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga, Đức, Nhật Bản; Phần 3 - Thơ Đoàn Kim Vân dịch ra các tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật Bản, Đức.
Đây cũng là một kỳ tích mà ít nhà thơ có được. Hy vọng, trong thời gian tới “Xuân vô tận” của hai nhà thơ Nguyễn Duy Yên và Đoàn Kim Vân sẽ được công nhận thêm một kỷ lục mới.
HỒ THANH HƯƠNG