Số liệu mới nhất do EVN vừa cung cấp cho thấy, tính đến ngày 27/9, mực nước tại hồ Hòa Bình hiện tại là 99,42m, thấp hơn 13,7m so với cùng kỳ năm 2009 (113,15m) và cách mực nước chết là 19,42m.
Tổng lượng nước đến hồ Hòa Bình thiếu hụt từ 35 - 40% so với trung bình nhiều năm. Tại hồ Tuyên Quang, mực nước hiện tại đo được là 102,23 m, thấp hơn 4,5m so với cùng kỳ năm 2009 (106,75m).
Tương tự, hàng loạt hồ thủy điện trên cả nước cũng phải đối mặt với lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng. Lưu lượng đến các hồ thấp hơn từ 19 - 38% so với năm 2009. Như hồ Quảng Trị thấp hơn 13,2m; hồ Pleikrong 32,8m; Ialy 23,9m; Thác Mơ là 16,2; hồ Hàm Thuận là 12,9m...
Nguyên nhân thiếu hụt nước là do mưa ít. Riêng hồ Hòa Bình thiếu hụt còn do hồ Sơn La tích nước từ 15/5 đến nay đã giữ lại trong hồ Sơn La là 1,675 tỷ m3. Chỉ trong khoảng 15 ngày đầu tháng 9, hồ Sơn La đã giữ lại là 451 triệu m3 nước.
Trước tình hình thiếu nước như trên, đa số các nhà máy thủy điện đều giảm số giờ chạy máy (chỉ chạy trong khoảng từ 4 - 16 giờ/ngày) nhằm giữ cho hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn. Hiện tại, nguồn thủy điện chiếm hơn 34% công suất toàn hệ thống.
Tại báo cáo ngày 16/9 vừa qua, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cũng đã cảnh báo: Trong các tháng tiếp theo cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trong khi đó, mới đây trả lời Dân trí, lãnh đạo EVN đã khẳng định chưa có năm nào như năm nay là đến thời điểm này mà tất cả các hồ thuỷ điện đều chưa phải xả lũ.
Điều đáng nói là ngành điện cũng không thể dự báo được mức độ nghiêm trọng trong việc thiếu hụt điện trong thời gian tới sẽ đến đâu. Chỉ biết rằng, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi như hiện nay thì tình hình cấp điện mùa khô 2011 cũng như những năm sau sẽ rất khó khăn.
Quỳnh Anh (TH)