Tháng 3-2014, chuẩn bị kỷ niệm “55 năm Ngày mở đường Trường Sơn” (1959-2014), tôi có dịp được cùng đoàn CCB “Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” tỉnh Nghệ An trên hành trình trở về thăm lại chiến trường xưa, nơi lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm về tình bạn, tình yêu, tình đồng đội đã trở thành bất tử; nơi sự sống đang nảy mầm từ cái chết. Đường Hồ Chí Minh xưa, giờ là đại lộ Hồ Chí Minh thảm nhựa đen bóng, chạy giữa ngút ngát màu xanh những khu rừng tái sinh của các Làng kinh tế mới, Làng thanh niên lập nghiệp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh - người dẫn đoàn nguyên là lính gùi thồ Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, làm nhiệm vụ vận chuyển quân lương vào tuyến lửa miền Nam trong những năm khởi đầu tuyến đường Trường Sơn - kể trong cái bồi hồi mà phấn chấn của một người đang trên đường trở lại nơi mình đã giành từng tấc sống để góp phần làm tròn nhiệm vụ chi viện cho chiến trường:
“Tháng 11-1961, đơn vị tôi được lệnh hành quân vào Làng Ho (Quảng Bình) - cửa khẩu của đường Trường Sơn, làm nhiệm vụ gùi thồ, vận chuyển hành hóa trên con đường bí mật vào chiến trường. Đường được mở từ tháng 5-1959, buổi đầu do Thượng tá Võ Bẩm, nhận lệnh của Tổng Quân ủy (Quân ủy Trung ương) vào xoi đường, xuyên rừng dọc theo phía đông dãy Trường Sơn đoạn từ Làng Ho đến Cù Bai dài 50km, mở đầu tuyến giao liên xuyên dãy Trường Sơn, sau này mang tên “Đường Hồ Chí Minh”. Phiên hiệu đường dây 559 là ngày Tổng Quân ủy quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - tháng 5 năm 1959.
Ban đầu, đường đi được đánh thành bậc, lát những khúc gỗ tròn chống trơn, có dây song hai bên làm tay vịn khi lên dốc, xuống đèo. Các đoàn hành quân qua tuyến phải tuyệt đối chấp hành mật lệnh “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Người đi sau cùng phải dùng cành cây xóa hết dấu vết của cả đoàn.
Thời gian đầu, mỗi người chỉ gùi được 20-25kg hàng, sau quen dần lên tới 40 rồi 50kg, đột xuất có người tới 70-80kg. Tôi thường xuyên gùi 75kg, trở thành kiện tướng cho toàn tuyến học tập. Về sau, ta và bạn Lào thống nhất lật cánh sang Tây Trường Sơn, mở đường cho xe cơ giới hoạt động, thì lực lượng gùi thồ mới chuyển sang làm nhiệm vụ giao liên dẫn quân vào Nam ra Bắc. Tính ra trong vòng 5 năm, đội quân gùi thồ Trường Sơn ngày ấy, với “đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm” đã vận chuyển hàng chục vạn tấn hàng hóa, với chiều dài cung đường đủ một vòng quanh trái đất”.
Giọng vị Anh hùng đột nhiên trầm xuống: “Ngày ấy vào chiến dịch mùa mưa năm 1962, đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ tải thương từ mặt trận Đường 9 - Nam Lào về tập kết tại địa điểm Cù Bai để mai táng liệt sĩ và điều trị thương binh. Mỗi chuyến đi về cũng phải mất 3 ngày đêm. Bất ngờ gặp trận lũ lớn kéo dài, nước ngập hết sông suối, không sao lội qua được, đành phải chôn cất đồng đội trên đất bạn, chốt lại chờ nước rút. Lương thực mang theo đã cạn kiệt, phải nhịn đói mất 10 ngày, mọi người thay nhau đi hái rau rừng, đào củ mài, củ ráy ăn thay cơm. Lúc này, ta chưa công khai phối hợp với bạn nên không dám quan hệ với dân. Kỷ luật lúc ấy là “tránh dân, lánh địch”, có đụng biệt kích cũng không được nổ súng. Vậy mà các bà mẹ, các em gái Lào vẫn đem gạo, sắn, xôi típ treo lên các cành cây dọc đường cho bộ đội ra lấy, không kể bộ đội Việt Nam hay Pha-thét Lào. Có trận đánh thương vong quá lớn, đang chuyển thương thì máy bay địch ào tới bắn xối xả đạn rốc-két, bom bi vào đội hình, làm chết 6 người, bị thương hơn 10 người, trong đó có cả những thương binh đang nằm trên cáng.
Lính gùi thồ vào mùa mưa cực kỳ gian khổ. Đang đi bỗng gặp trận mưa rừng làm đường nhão nhoét, trơn như đổ mỡ, dùng “gậy Trường Sơn” mà vẫn ngã xoành xoạch, sảy chân là lao xuống vực như chơi. Sên, vắt bám đầy người, vào tận chỗ kín, lở ngứa hằng tuần; có lúc vượt dốc cao 1.000m mất mấy giờ liền, đầu người đi sau chạm mông người đi trước, lên đến đỉnh dốc nhìn mây bay giăng thành, thở ra cả bằng tai. Lúc ấy, những bài ca Trường Sơn trở thành phương tiện giải mệt”.
Khi tôi hỏi về trường hợp được phong tặng Anh hùng, giọng ông Sinh sôi nổi, hào hứng: “Tháng 5-1966, có 6 người trên toàn tuyến vận tải được chọn báo cáo thành tích cá nhân tại Đại hội Thi đua toàn quốc. Sau chỉ có tôi - Nguyễn Viết Sinh (giao liên), Hoàng Văn Nghiên (công binh) và Trần Minh Khâm (lái xe) thuộc Đoàn 559, vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đợt đầu tiên của thời kỳ chống Mỹ.
Từ trong tuyến ra Hà Nội dự Đại hội, chúng tôi phải đi bộ mất 10 ngày mới tới binh trạm Cổng Trời (đường 12) để từ đó đi bằng ô tô. Đêm 1-1-1967, nằm nghe Đài Tiếng nói Việt Nam công bố danh sách được phong tặng Anh hùng, biết Đại hội đã bế mạc, tất cả lại phải quay về trong nuối tiếc bởi lỡ một dịp may được gặp Bác Hồ. Giấy chứng nhận danh hiệu Anh hùng và Huân chương Chiến công hạng Nhất của tôi lâu ngày đã bị hoen ố đi nhiều, có người bảo đổi lại nhưng tôi không muốn, vì trên ấy có bút tích chữ ký của Bác Hồ”…
Tháng 5-2014.
Lê Lân