Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Bãi Giá trao đổi với ngư dân về tình hình trên biển.
Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có mặt tại Cảng cá Trần Đề hàng trăm tàu, thuyền san sát, tàu này chuyển cá lên bờ, tàu kia tiếp nhận đá cho chuyến đi biển mới... Vừa sắp xếp lại những ngư cụ để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi dài ngày, ông Dương Văn Hít - thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, chia sẻ với chúng tôi: “Cái nghề của mình không thể đơn độc giữa biển khơi được, từ khi thành lập Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản và bến bãi an toàn, chúng tôi mừng lắm, nó rất thiết thực với người làm nghề như tôi”.
Nhắc tới vụ việc cách đây gần 2 tháng, ông Hít vẫn chưa hết sợ hãi khi tàu bị chết máy trong lúc đang đánh cá trên biển: Tàu cá của ông trong lúc khai thác thì bị hỏng máy, 7 thuyền viên trên tàu nỗ lực sửa chữa nhưng vẫn phải bó tay. Sau một lúc tìm cách liên lạc, cuối cùng ông Hít cũng may mắn liên hệ được với các ngư dân trên 3 phương tiện đang đánh bắt gần đó để họ nhanh chóng đến giúp đỡ và lai dắt phương tiện vào bờ an toàn.
Việc hình thành các Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản và bến bãi an toàn đã giúp ngư dân có điều kiện vươn khơi xa dài ngày, cung cấp thông tin cho nhau về ngư trường đánh bắt, kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, sự cố tàu hỏng, chết máy...
Mô hình thực sự đã giúp nâng cao hiệu quả khai thác của các phương tiện, tăng thời gian bám biển, sản phẩm gửi vào bờ bán giá cao.
Ông Tăng Tuấn Kiệt - Tổ trưởng Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản và bến bãi an toàn ở ấp Chợ, xã Trung Bình chia sẻ: “Việc tổ chức thành mô hình này đã đoàn kết ngư dân trên địa bàn. Trước đây, chúng tôi cũng tập hợp lại từng nhóm mỗi khi ra khơi để cùng hỗ trợ nhau khi gặp chuyện không may, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn. Cho nên khi mô hình “Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản và bến bãi an toàn” đi vào hoạt động có tổ chức, anh em hưởng ứng rất nhiệt tình. Giờ đây, mỗi khi ra khơi, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm”.
Hiện nay, huyện Trần Đề có hơn 600 phương tiện đánh bắt thủy hải sản. Nghề lưới rê là nghề khai thác chính ở đây. Được sự vận động của cán bộ Đồn Biên phòng Bãi Giá, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, đến nay, trên địa bàn huyện Trần Đề đã thành lập được 19 Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản và bến bãi an toàn, với hơn 394 phương tiện tham gia. Từ khi Tổ đi vào hoạt động, các tàu đi khai thác đã hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả cho mỗi chuyến biển.
Trung tá Đặng Hoài Phương - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bãi Giá cho biết: “Đi biển không chỉ mưu sinh, mà còn thể hiện trách nhiệm của công dân trong việc giữ gìn biển, đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc. Điều chúng tôi luôn tự tin là làm việc theo tổ hợp tác, anh em có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau lao động sản xuất”.
Hồ Phúc