Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhiều trường, lớp học trên địa bàn tỉnh được kiên cố hóa.
Chúng tôi trở lại thăm Trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Minh Hóa, nơi trực tiếp nhận 5.103 triệu đồng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Sau khi được hỗ trợ, nhà trường cải tạo lại 20 phòng nội trú cho học sinh; xây dựng mới thư viện, văn phòng, phòng học tin học, bếp ăn và nhà vệ sinh.

Thầy giáo Đinh Xuân Lục-Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Những năm trước, cơ sở hạ tầng nhà trường rất tạm bợ, xuống cấp. Quy mô trường, lớp không đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nơi ăn, ở cho học sinh dân tộc thiểu số từ các địa bàn xa xôi về thiếu và yếu. Sau khi nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất từ nguồn vốn 30a, chất lượng giáo dục nhà trường cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm giảm đáng kể”.

Em Hồ Thị Song, học sinh lớp 9, ở bản La Trọng 2, xã Trọng Hóa khoe với tôi: “Em rất vui vì được học dưới mái trường khang trang, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho việc học tập, ăn ở, sinh hoạt. Ở đây, chúng em còn được hưởng đầy đủ các chế độ bán trú, hộ nghèo do Nhà nước quy định nên rất yên tâm học hành”.

Dọc theo đường lớn, chúng tôi đến bản Ba Loóc, xã Dân Hóa trên con đường được làm từ nguồn vốn Nghị quyết 30a. Con đường bê tông rộng thoáng vắt qua cánh rừng Tà Lôông như sợi chỉ đỏ nối liền Ba Loóc với trung tâm xã, rút ngắn thời gian đi lại, mở hướng phát triển mới cho người dân. Công trình có vốn đầu tư 5 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng đầu năm 2012. Từ quốc lộ 12A vào bản còn có một cây cầu kiên cố bắc qua khe Rào nối bản Cà Rèng, bản Ốôc. Chạy sát đường là hệ thống điện lưới quốc gia đưa ánh sáng về tận bản. Nhờ đường giao thông đã mở nên đến bản bằng ô tô, xe máy chỉ mất khoảng 10 phút, chấm dứt tình trạng đi bộ nửa ngày trời như trước đây.

Bí thư chi bộ bản Ba Loóc - Hồ Xuân Ba vui vẻ nói: “Bản Ba Loóc thực sự đổi thay rồi. Chừ có đường, điện, trường... thỏa niềm ước mong bấy lâu. Mấy năm nay, dân bản được mùa lúa rẫy nên cái bụng không đói nữa. Bây giờ, đường thông, điện sáng nên đời sống vật chất lẫn tinh thần dân bản ngày càng cải thiện. Đặc biệt, con em trong bản đến trường chuyên cần hơn. Thầy cô giáo không còn cảnh băng rừng, lội suối cắm bản dạy học. Chất lượng giáo dục nhờ thế tốt dần lên”.

Thầy Phạm Đức Song - giáo viên từng có thâm niên cắm bản lâu năm nhất tại Ba Loóc kể: “Từ khi điện, đường, trường học xây dựng kiên cố từ nguồn vốn Nghị quyết 30a, sự nghiệp trồng người của chúng tôi ở các bản làng biên giới đỡ vất vả hơn rất nhiều. Học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui, ngoài ra, các em còn nhận thêm sự hỗ trợ về tiền, lương thực. Tinh thần tự giác, chăm chỉ đến trường chuyên cần hơn chứ không còn bỏ học như trước”.

Bà Đinh Thị Thanh Hương- Trưởng phòng Giáo dục, Đào tạo huyện cho biết: “Thông qua các kênh vốn từ Nghị quyết 30a và những doanh nghiệp đỡ đầu, hệ thống phòng học xuống cấp, tạm bợ tranh tre, nứa lá trong huyện đã được thay thế bằng trường lớp kiên cố, khang trang. Hệ thống thiết bị dạy học được mua sắm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ trồng người. Cùng với các ban, ngành trong huyện, Ngành Giáo dục- đào tạo thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số, học sinh nghèo để có thêm động lực đến lớp, đến trường”.

Hoàng Hường