Lớp học ghép tại thôn Dọc Môn, xã Mậu Lâm, Như Thanh.
Huyện Như Thanh (Thanh Hóa) có 17 trường mầm non, trong đó có 11 trường thuộc 11 xã thuộc vùng 135. Hiện, huyện còn 39 điểm lẻ của các trường mầm non. Một số điểm lẻ nằm ở những bản làng cách xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn. Trong khi đó, số lượng trẻ từng độ tuổi ít nên phải tổ chức các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ 2 đến nhiều độ tuổi, đa dân tộc. Thực tế này khiến giáo viên mầm non dạy ở những điểm lẻ gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì vậy, Nghị định số 06 của Chính phủ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục mầm non, giúp bậc học có cơ sở để phát triển ổn định bền vững.

Cô giáo Vũ Thị Toàn - giáo viên Trường Mầm non Mậu Lâm (xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh) đã gắn bó với điểm trường lẻ nằm tại thôn Dọc Môn, xã Mậu Lâm 11 năm. Điểm trường này mượn Nhà văn hóa thôn Dọc Môn với lớp ghép 34 trẻ mẫu giáo và 10 trẻ lớp nhà trẻ được ngăn đôi bằng một tấm song chắn, các em đều là người dân tộc Thái, Mường, Thổ... 2 nhóm lớp ghép với nhau nhưng chỉ có 2 giáo viên. Cô tâm sự: Nghị định 06 của Chính phủ quy định giáo viên mầm non dạy lớp ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ, hoặc dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ hằng tháng được hỗ trợ thêm 450.000 đồng là nguồn động lực lớn đối với những giáo viên vùng sâu vùng xa như chúng tôi. Không chỉ giúp cải thiện cuộc sống, số tiền này còn giúp chúng tôi yên tâm với nghề và tự tin hơn khi trải nghiệm ở những nơi xa xôi như thế này.

Nghị định 06 của Chính phủ đã phần nào giúp cuộc sống của các học sinh và giáo viên vùng khó vơi đi những khó khăn, nhọc nhằn.

Tuy nhiên để nhanh chóng đưa nghị định đi vào cuộc sống, các địa phương cần chủ động, khách quan trong việc lập danh sách đối tượng được thụ hưởng; đồng thời, các cấp, ngành liên quan cũng cần nhanh chóng hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết để các giáo viên mầm non vùng khó nhanh chóng được hưởng quyền lợi để yên tâm công tác tốt.

Linh Hương