Sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội tích cực tham gia hiến máu tình nguyện.
Thực tế cuộc sống cho thấy, nhu cầu về máu để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân trong các bệnh viện và dự phòng thảm họa không chỉ ở nước ta mà tại tất cả các nước là rất lớn. Hàng vạn người trên thế giới hằng ngày, hằng giờ tham gia hiến máu tình nguyện, cứu sống hàng triệu người qua cơn hoạn nạn… Năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp hội Truyền máu quốc tế đã lấy ngày 14-6 là Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu.
Ở nước ta, đến nay, sau 11 năm Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện được thành lập và đi vào hoạt động, công tác hiến máu tình nguyện ở nước ta đã có bước thay đổi cả về lượng và chất. Từ năm 2009, Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng cùng Ngày hội hiến máu Chủ nhật Ðỏ, chiến dịch Những giọt máu hồng nhanh chóng nhân rộng quy mô toàn quốc, cơ bản đã khắc phục được tình trạng thiếu máu… Từ năm 2013, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư phối hợp các cơ quan thành viên BCÐ quốc gia và các tỉnh, thành phố triển khai thành công chương trình Hành trình đỏ tại 46 tỉnh, thành phố, góp phần điều phối máu trên phạm vi toàn quốc; đồng thời, tiếp nhận được lượng máu lớn để cấp cứu và điều trị người bệnh. Năm 2019, chủ đề của Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện là “Hiến máu và phổ cập nội dung về truyền máu an toàn, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khoẻ toàn cầu” với thông điệp: “Máu an toàn cho mọi người".
Lực lượng tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng được mở rộng cả về số người cũng như địa bàn. Năm 2009 cả nước có 676 CLB hiến máu với 21.364 thành viên thì đến năm 2017 đã phát triển được 3.363 CLB với 135.000 thành viên. Các CLB hiến máu dự bị “Ngân hàng máu sống” được thành lập ở các huyện đảo: Trường Sa, Phú Quốc, Lý Sơn, Phú Quý, Cồn Cỏ, Cát Bà… và các huyện vùng sâu, vùng xa như Ðồng Văn (Hà Giang), Ðiện Biên Ðông (Ðiện Biên), Ngọc Hồi (Kon Tum), Tịnh Biên (An Giang)... Nhờ các giải pháp cụ thể, số đơn vị máu tiếp nhận tăng liên tục. Ðến năm 2012 tăng gấp gần hai lần và đến năm 2017 tăng gần 3 lần so với năm 2008. Giai đoạn 2008-2017, cả nước vận động được 10.175.048 đơn vị máu (tương đương 2.543.762 lít). Năm 2018, toàn quốc vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó, 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện. Đã có hơn 1.000 người hiến máu và vận động hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh. Ngoài ra, từ năm 2008-2017, toàn quốc có hơn 155.000 cá nhân, gia đình và tập thể ở 63 tỉnh, thành phố và các CLB hiến máu tình nguyện được tôn vinh, khen thưởng; trong đó có hàng vạn hội viên CCB và các thành viên trong gia đình tích cực tham gia, được các cấp chính quyền, các ngành chức năng ghi nhận. Năm 2019, Nhân kỷ niệm Ngày quốc tế người hiến máu, 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc vừa được tôn vinh. Trong số người được tôn vinh năm nay, có những người đã hiến máu từ 60-70 lần như ông Nguyễn Trí Hiếu, ông Trần Thành Long (70 lần), ông Trần Kinh Quốc (68 lần)... Bên cạnh đó, những người hiến nhóm máu hiếm như ông Nguyễn Đức Kiên hiến 15 lần, ông Lâm Văn Vinh hiến 44 lần và nhiều người là thành viên CLB hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia.
Thành tích đạt được là rất lớn, tuy nhiên, còn một số địa phương tỷ lệ dân số hiến máu thấp dưới 1%, đối tượng hiến máu hạn chế, chủ yếu là học sinh, sinh viên, công an, bộ đội; công tác tuyên truyền về hiến máu tình nguyện chưa thường xuyên, sâu rộng… Để hiến máu tình nguyện trở thành phong trào sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực, chúng ta còn nhiều việc phải làm để đến năm 2022 đạt ít nhất 2% số dân hiến máu và đạt tỷ lệ 100% hiến máu tình nguyện. Hiến máu cứu người, việc không của riêng ai.
Thanh Huyền