Tôi có người anh ở trên thành phố, làm kế hoạch hay quy hoạch phát triển kinh tế xã hội gì đó. Có lần về thăm quê, anh nói chuyện trên trời, dưới biển, từ chuyện kinh tế vĩ mô đến vi mô, anh nói: Hiện nay muốn phát triển nông thôn phải xây dựng hạ tầng cơ sở 4 khâu: điện, đường, trường, trạm. Nghe vậy, bà con góp ý, còn thiếu một thứ mà anh tôi không nhắc đến là xây chợ (C) để cho bà con có chỗ mua bán và trao đổi sản phẩm. Nghe vậy, anh tôi không giữ được bình tĩnh, vì anh ấy chỉ quen nói cho người khác nghe, chứ không quen nghe người ta nói. Anh bảo: Bây giờ mà còn nói chuyện xây chợ thì quê quá. Nông thôn hiện đại hóa thì phải xây siêu thị, trung tâm thương mại chứ.

Buổi tối, nằm tâm sự tôi mới nói: Hôm nọ lên thành phố, thấy Bộ Giao thông vận tải nêu ra nguyên nhân và các giải pháp chống tắc đường, em thấy còn thiếu một nguyên nhân: Vỉa hè dành cho người đi bộ mà người ta cứ bán hàng như là cái chợ riêng của gia đình, có người còn bán rong, bán hàng ở lòng đường. Đi ra trung tâm thương mại Thanh Trì trước đây gọi là chợ Văn Điển, em thấy có một vài người bán hàng thực phẩm như rau, thịt cá… đi dọc đường Tứ Hiệp thì thấy đó mới đúng như cái chợ quê em, chỉ khác là họ họp chợ ngay vẻ hè, lòng đường còn quê mình thì họp trong chợ. Vào xem phố cổ em thấy cái chợ Hàng Da trước đây đông đúc thế, bây giờ chợ mới xây hoành tráng mà người bán các đồ thực phẩm trong chợ thì ít, họ lại tản ra đường Phùng Hưng bán hàng làm ô nhiễm cả trục đường gần nhà tang lễ thành phố. Hỏi thì người dân nói: Vào trung tâm thương mại bán hàng thực phẩm tươi sống không được vì lúc mất điện, nóng lạnh thất thường do vậy thực phẩm nhanh ôi thiu, trong siêu thị những nhà kinh doanh lớn còn có máy lạnh chứ tư nhân buôn bán nhỏ lấy đâu ra, còn vào trung tâm thương mại thuê ki-ốt giá cao, mình phải bán giá cao thì ai mua. Em chả biết kinh tế vi mô, vĩ mô gì gì hết, nhưng ở quê chúng em phải củng cố tốt cái chợ quê mình để bà con không tràn ra đường bán hàng làm tắc giao thông. Đối với bọn em chẳng có sơ đồ ngang, sơ đồ mạng chằng chịt như thành phố các anh, mà chúng em cứ thẳng tuột theo ý dân là xong, bởi vậy em mới khuyên anh là phải thêm một chữ C, một cái chợ phù hợp với cuộc sống ở nông thôn. “Trời của ta, đất của ta, chợ của ta, phù hợp với cuộc sống của ta”.

Nghe vậy, anh tôi cười xòa và tỏ ý đồng tình.

Văn Viễn