Trước hết, cam kết đầu tư 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục vẫn mang tích chất của một cam kết chính trị hơn là một sự bắt buộc pháp lý. Cụ thể, Dự án luật không quy định rõ về điều này. Trong khi cam kết dành 20% ngân sách quốc gia hay 6% GDP cho giáo dục là một cam kết quốc tế. Liên Hợp quốc đòi hỏi các quốc gia phải chi tối thiểu 20% ngân sách cho giáo dục để bào đảm quyền tiếp cận giáo dục của mọi người dân.
Thực ra, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã cam kết chi 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục, nhưng trên thực tế thường thấp hơn, thường chỉ chiếm khoảng 18% Ngân sách quốc gia. Điều đáng quan tâm hơn nữa là có vẻ như chúng ta không nắm được chính xác Ngân sách đã chi cho giáo dục sau mỗi năm là bao nhiêu. Lý do là vì ngân sách cho giáo dục được phân bổ không chỉ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn cho các chủ thể khác, đặc biệt là cho các địa phương. Quy trình ngân sách của địa phương có thể lặp lại quy trình của Trung ương mà cũng có thể không. Trên thực tế, có địa phương đã chuyển một phần kinh phí giáo dục cho các ưu tiên khác của mình.
Thiết kế một quy trình giám sát để bảo đảm 20% ngân sách quốc gia được chi cho giáo dục phải là một nhiệm vụ của Dự án luật giáo dục (sửa đổi) đang được xem xét.
Ngoài ra, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục là một mục tiêu mà Dự án luật cần hướng tới. Ở đây trước hết là sự công bằng về đầu tư tài chính. Như chúng ta biết, ở các thành phố lớn nhất là ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, tất cả con em của những gia đinh có thu nhập thấp đều muốn được vào học ở các trường công. Thế nhưng, các trường công không đủ chỗ, nên rất nhiều cháu đã buộc lòng phải nhập học ở các trường tư, trong khi trường công thì được ngân sách đầu tư, còn các trường tư thì không. Đó là chưa nói tới tình trạng, về cơ bản, con cái nhà giàu, nhà có điều kiện đều tìm cách vào được trường công (đặc biệt trường công chất lượng cao). Hậu quả là có sự chênh lệch rất lớn trong việc hưởng thụ các dịch vụ công giữa người giàu và người nghèo.
Cách đây hơn chục năm, một nghiên cứu của UNDP đã chỉ ra rằng ở nước ta trên 80% các dịch vụ công đang chủ yếu rơi vào tay những người giàu. Chúng ta đã có nhiều cố gắng để khắc phục tình trạng này. Thế nhưng, việc trường công không đủ chỗ, con em nhà nghèo phải đi học ở các trường tư không giúp được gì cho những cố gắng của chúng ta ở đây.
Cách làm công bằng hơn là ngân sách cho giáo dục phổ thông phải được phân bổ theo đầu học sinh. Mỗi đầu học sinh tương ứng với một đơn vị phân bổ ngân sách tối thiểu. Cứ căn cứ vào số lượng học sinh mà phân bổ ngân sách như nhau cho cả trường công và trường tư.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng