Pháo binh Triều Tiên trong một trận đánh.
Ngày 17-7-1950, Mỹ thao túng Hội đồng Bảo an LHQ (vắng Liên Xô) thông qua Nghị quyết giao cho Mỹ tổ chức lực lượng quân sự 15 nước, dưới quyền chỉ huy của tướng Mỹ Douglas MacActhur, trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến Triều Tiên dưới danh nghĩa LHQ.

Ngày 15-9-1950, lợi dụng tình hình quân đội Triều Tiên dồn hầu hết chủ lực vào chiến trường miền Nam, hậu phương hầu như bỏ ngỏ, liên quân Mỹ - Đồng minh huy động một lực lượng lớn gồm hơn 300 tàu chiến, hơn 500 máy bay, yểm trợ cho 70.000 quân đổ bộ lên vùng Inchon (Nhân Xuyên) - thành phố và là hải cảng lớn ven bờ biển tây của Hàn Quốc, đánh tập hậu và chặn đường rút lui của quân Triều Tiên. Ngày 30-9, quân Mỹ giành lại Seoul. Quân Triều Tiên buộc phải mở đường máu rút về miền Bắc, với tổn thất nặng nề. Quân Mỹ vượt vĩ tuyến 38 truy kích quân đội Triều Tiên. Ngày 19-10-1950, thủ đô Bình Nhưỡng thất thủ. Tiếp đó, hầu như toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên bị quân Mỹ đánh chiếm, ngọn lửa chiến tranh lan tới bên kia Áp Lục Giang – con sông biên giới giữa Trung Quốc - Triều Tiên.

Lo ngại quân Mỹ mở rộng chiến tranh, ngày 25-10-1950, Chí nguyện quân Trung Quốc do Bành Đức Hoài làm Tổng tư lệnh vượt sông Áp Lục (Liên Xô chỉ cung cấp yểm trợ bằng không quân không quá 100km từ mặt trận). Đến tháng 7-1951, Chí nguyện quân Trung Quốc cùng quân đội Triều Tiên không chỉ giành lại các vùng lãnh thổ phía Bắc mà còn chiếm được cả một vùng lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 38. Nhưng do gặp khó khăn về hậu cần, trong khi Liên quân lại được tăng cường lực lượng và tiếp viện nên quân đội Trung-Triều phải dừng lại. Từ tháng 7-1951 đến tháng 7-1953, hai bên duy trì chiến thuật vừa tiến công vừa phòng thủ, nhưng các chiến tuyến được củng cố và không thay đổi nhiều.

Trước diễn biến phức tạp của chiến tranh, theo sáng kiến của Liên Xô, ngày 10-7-1951, các bên bắt đầu cuộc đàm phán đình chiến ở Kaesong (Khai Thành), từ ngày 8-10 chuyển tới Bàn Môn Điếm. Từ đó, hai bên vừa đánh vừa đàm, đấu tranh quân sự xen kẽ đấu tranh ngoại giao. Phía Triều Tiên đề nghị ngừng bắn ngay lập tức, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Phía Mỹ không đồng ý, muốn dựa vào ưu thế áp đảo về không quân để chiếm thêm một số địa bàn. Quân đội Trung-Triều đã phải tiến hành “cuộc chiến tranh địa đạo” hết sức khốc liệt để chặn các cuộc tấn công của quân Mỹ. Tháng 10-1952, liên quân Trung-Triều giành thắng lợi vang dội ở Thượng Cam Lĩnh. Từ tháng 5 đến tháng 7-1953, quân đội Trung-Triều mở chiến dịch Mùa Hè, phản công trên quy mô lớn, diệt hơn 10 vạn binh lính đối phương, mở rộng địa bàn xuống phía Nam. Ngày 27-7-1953, hai bên ký Hiệp định đình chiến.

Hiệp định quy định: hai bên đình chiến tại chỗ, lấy ranh giới thực tế đóng quân giữa hai bên làm giới tuyến quân sự; quân đội hai bên lùi 2km cách giới tuyến để hình thành Khu phi quân sự; cấm đưa thêm vào bán đảo Triều Tiên nhân viên quân sự, trang thiết bị quân sự từ nước ngoài; trong vòng 60 ngày kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, hai bên trực tiếp trao trả số tù binh tự nguyện hồi hương, số còn lại giao cho Ủy ban Hồi hương của nước trung lập giải quyết; trong vòng 3 tháng triệu tập Hội nghị cấp cao của hai bên bàn việc rút quân đội nước ngoài và giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên...

Cuộc chiến tranh Triều Tiên có nguyên nhân sâu xa ở âm mưu, ý đồ của Mỹ chia cắt lâu dài bán đảo Triều Tiên, thiết lập chính quyền chống Cộng thân Mỹ ở miền Nam Triều Tiên làm lá chắn ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc, Nga và phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á. Việc Mỹ thao túng LHQ, tiến hành chiến tranh dưới danh nghĩa LHQ đã làm tăng thêm quy mô và mức độ khốc liệt của chiến tranh. Hai phía Trung-Triều và Mỹ-Hàn đều cho bên mình đã chiến thắng, đều tuyên bố thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh của đối phương nhiều hơn bên mình.

Thực tế, chiến tranh đã khiến cho cả hai miền bị tổn thất nặng nề về người và tài sản. Cũng trên thực tế, chiến tranh đã dừng lại ở nơi nó đã xuất phát (vĩ tuyến 38) và cho đến nay, về mặt kỹ thuật xem như Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Đăng Quang